BVR&MT – Kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (3/11), tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) phối hợp Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam; Hội thảo khoa học về “Phát huy giá trị các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững”.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ), chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển tại khu vực Đông Nam Á. Kết cấu sinh thái của các Khu dự trữ sinh quyển này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam mà còn của vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của chúng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia.
Trong những năm tới, Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển Thế giới của Việt Nam định hướng xây dựng khung cơ cấu quản lý thống nhất, phát triển nhãn sinh thái Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; thúc đẩy du lịch sinh thái, kinh tế xanh và phát triển sinh kế cho người dân địa phương nhằm góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Hiện đã có rất nhiều sáng kiến, mô hình và những thành công bước đầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thời gian qua, công tác quản lý bền vững các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các bên liên quan, trong đó có UNDP, Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) với các đóng góp quan trọng trong các nỗ lực này. Trọng tâm của các hỗ trợ này là thúc đẩy khả năng phục hồi môi trường và hỗ trợ sinh kế địa phương trước những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
Hậu Thạch