BVR&MT – Một cuộc tìm kiếm kéo dài 6 năm bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương đã phát hiện khoảng 461 vật thể mới.
Trong số những vật thể mới được phát hiện, có 4 vật thể cách Mặt trời hơn 230 đơn vị thiên văn (AU). Một đơn vị thiên văn là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời, khoảng 149,6 triệu km. Những vật thể rất xa này có thể giúp làm sáng tỏ hành tinh thứ 9, một thiên thể theo lý thuyết có thể đang ẩn náu trong không gian sâu và lực hấp dẫn của nó ảnh hưởng đến quỹ đạo của một số vật thể ở rìa Hệ Mặt trời.
Các quan sát mới của giới khoa học có sự hỗ trợ của Khảo sát Năng lượng Tối, một nỗ lực lập bản đồ cấu trúc thiên hà và vật chất tối của vũ trụ bắt đầu vào năm 2013. Sáu năm quan sát từ Kính viễn vọng Blanco ở Đài thiên văn Liên Mỹ Cerro Tololo tại Chile đã phát hiện tổng cộng 817 vật thể mới, 461 trong số đó hiện được công bố lần đầu tiên trong một bài báo đăng trên trang dữ liệu khoa học mở arXiv.
Tất cả các vật thể trong nghiên cứu đều cách xa ít nhất 30 AU, nằm trong một vùng bang giá tối tăm và xa xôi của Hệ Mặt trời. Hơn 3.000 vật thể xuyên sao Hải Vương (TNO) đã được xác định trong những vùng băng giá này. Chúng bao gồm các hành tinh lùn như Sao Diêm Vương và Eris, cũng như các vật thể nhỏ trong vành đai Kuiper như Arrokoth, từng được tàu vũ trụ New Horizons ghé thăm vào năm 2019. Vành đai Kuiper là một vùng các vật thể băng giá với quỹ đạo cách Mặt trời khoảng 30-50 AU.
Trong số 461 vật thể được giới thiệu lần đầu tiên trong bài báo mới, có một số ít vật thể nổi bật. Chín vật thể được gọi là vật thể TNO, có quỹ đạo xoay quanh khoảng cách ít nhất 150 AU so với Mặt trời. Bốn trong số đó là siêu TNO, với khoảng cách quỹ đạo là 230 AU. Ở những khoảng cách này, các vật thể hầu như không bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của sao Hải Vương, nhưng quỹ đạo kỳ lạ của chúng cho thấy có ảnh hưởng từ bên ngoài Hệ Mặt trời. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, ảnh hưởng đó có thể là một hành tinh chưa được khám phá, được gọi là hành tinh thứ 9.
Các nhà thiên văn học cho biết, ít nhất 155 trong số các vật thể mới được phát hiện là “vật thể tách rời”. Điều này nghĩa là chúng ở khoảng cách đủ xa để không chịu ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của sao Hải Vương, thay vào đó, chúng chủ yếu được gắn với Hệ Mặt trời bởi lực kéo xa của Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, những phát hiện này rất thú vị vì Khảo sát Năng lượng Tối không nhằm mục đích tìm kiếm các vật thể xuyên sao Hải Vương. Mục tiêu của nó là mô tả năng lượng tối ảnh hưởng đến sự giãn nở gia tốc của vũ trụ. Tuy nhiên, dữ liệu từ cuộc khảo sát chứa 20% tổng số TNO được biết cho đến nay, đủ bao phủ 1/8 bầu trời.
“Những điều này sẽ có giá trị cho các thử nghiệm thống kê chi tiết hơn về quy mô hình thành các khu vực xuyên sao Hải Vương”, các nhà nghiên cứu cho biết./.