Phát hiện một loài ếch đá mới ở Việt Nam

BVR̃MT – Loài ếch mới Leptolalax petrops vừa được các nhà khoa học Úc phát hiện ở khu vực rừng núi đá vôi thuộc hai tỉnh Lai Châu và Tuyên Quang. Nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Zootaxa cho hay.

Loài ếch mới dài khoảng 2 đến 5 cm, có màu nâu nhạt và mắt màu vàng đồng, lớp da xù xì, thô ráp giống hệt những viên đá nhỏ. Do vậy, tên khoa học Leptolalax petrops được đặt theo hình dáng đặc biệt của nó:  tiếng Latinh – ops – “có hình dạng của” và petra – “đá”.

Ông Jodi Rowley, nhà  bảo tồn động vật lưỡng cư và bò sát (Viện Nghiên cứu Bảo tàng Australia), tác giả nghiên cứu cho hay: “Kết cấu da của con ếch cái thô ráp trông không khác gì những tảng đá xung quanh là đặc điểm ấn tượng nhất của loài này đối với tôi”.

Loài ếch đá mới chỉ dài khoảng 2-5 cm. (Ảnh: Jodi Rowley/Bảo tàng Úc)

Các nhà khoa học lần đầu tiên thu thập được mẫu loài ếch này vào năm 2013 trong một chuyến khảo sát tại khu vực rừng núi đá vôi ở tỉnh Lai Châu và Tuyên Quang. Loài ếch nhỏ bé này được nghi là một loài mới vì không phù hợp với đặc điểm nhận dạng của các loài đã được nhận dạng trước đó. Đặc điểm hình thái giống tảng đá cùng tiếng gọi bạn tình có cao độ và nhịp độ nhanh là điểm khác biệt của loài này.

Sau khi phân tích và so sánh đặc điểm hình thái, tiếng kêu cũng như kết quả ADN, nhóm nghiên cứu khẳng định đây thực sự là một loài mới.

“Có lẽ do có ngoại hình giống những tảng đá nơi chúng sinh sống nên tới giờ loài ếch này mới được phát hiện.” – Ông Rowley cho hay.

Loài ếch được tìm thấy trên những ngọn núi đá vôi ở Lai Châu và Tuyên Quang, Việt Nam (Ảnh: Jodi Rowley / Bảo tàng Úc)

Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhóm nghiên cứu ngờ rằng loài mới này đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Loài Leptolalax petrops chỉ được tìm thấy ở hai tỉnh Lai Châu và Tuyên Quang. Trong khi đó, hệ thống rừng tự nhiên che phủ các núi đá vôi – môi trường sống của loài ếch này –  đang suy giảm nhanh chóng.

Dựa trên quan sát, nhóm tác giả nghiên cứu khuyến cáo nên liệt kê loài này vào danh mục sắp nguy cấp của Sách đỏ IUCN.

Ông Rowley khẳng định: “Còn rất nhiều điều bí ẩn về loài ếch này vì chúng ta mới chỉ ghi nhận được khoảng 50 cá thể trưởng thành và chưa quan sát thấy nòng nọc ếch. Điều quan trọng là “những viên đá sống” này cần phải được bảo vệ khỏi nguy cơ tuyệt chủng trước khi chúng ta kịp tìm hiểu nhiều hơn về chúng.”

Các nhà khoa học đề nghị xếp hạng loài này ở danh mục các loài sắp nguy cấp của Sách đỏ IUCN (Ảnh: Jodi Rowley / Bảo tàng Úc)

Phương Thúy (Theo Mongabay.com)