Phát hiện mẫu voi ma mút tại Campuchia nhờ công nghệ ADN

BVR&MT – Các nhà khoa học ở Vườn thú Edinburgh đang hợp tác để tạo ra một phòng thí nghiệm gen ở Campuchia nhằm chống lại việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp.

Trong phòng thí nghiệm WildGenes thuộc Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland, tiến sĩ Alex Ball đang khoan những thứ nghe giống như một chiếc răng khổng lồ.

Trong khi cố gắng cứu voi, họ đã tìm thấy mẫu ngà của loài voi quý hiếm đã tuyệt chủng.

Ảnh minh họa: internet.

Phòng thí nghiệm hiện đang cộng tác với ba đối tác trong một dự án do Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn của chính phủ Anh tài trợ nhằm xây dựng năng lực khoa học cho Campuchia với mục tiêu bảo tồn động vật hoang dã và chống lại việc buôn bán ngà voi qua nước này.

Nhóm của tiến sĩ Ball đã hỗ trợ thành lập phòng thí nghiệm gen bảo tồn đầu tiên ở Campuchia – đất nước nằm trên tuyến đường buôn lậu ngà voi quan trọng từ châu Phi và châu Á, những lục địa mà ngà voi được lấy đi một cách hợp pháp.

Tiến sĩ Ball cho biết “hàng ngàn con voi đang bị tàn sát trên khắp châu Phi. Một trong những điều quan trọng về Campuchia là chúng tôi hầu như không có bất kỳ thông tin nào về buôn bán ngà voi ở đây”. Tuy nhiên, ADN từ ngà đang mở khóa những bí mật đó.

“Về cơ bản, chúng ta có thể phá vỡ lớp ngà và canxi và đưa những tế bào đó ra khỏi ngà rồi sau đó xác định cá thể mọc ra cái ngà đó”, ông nói thêm.

WildGenes là một trong vài phòng thí nghiệm gen động vật dựa vào vườn thú ở châu Âu và là duy nhất ở Anh.

Tiến sĩ Helen Senn, người đứng đầu ngành bảo tồn và khoa học tại Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland, nói rằng WildGenes đóng một vai trò quan trọng vì “những loài có nguy cơ tuyệt chủng thường khá bất thường về gen và chúng chưa từng được nghiên cứu trước đây do không thú vị đối với y học hay khoa học nông nghiệp. Vì vậy, chúng tôi phải phát triển các phương pháp mới để nghiên cứu những loài như hà mã lùn hay linh dương sừng kiếm”.

Nhưng trong nghiên cứu về các mẫu ngà của Campuchia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một thứ thậm chí còn kỳ lạ hơn, đó là ADN từ voi ma mút.

Voi ma mút không được bảo vệ bởi các thỏa thuận quốc tế về các loài có nguy cơ tuyệt chủng vì chúng đã tuyệt chủng được khoảng 10.000 năm nay.

Tương đối dễ dàng để nhận ra sự khác biệt giữa ngà của voi và voi ma mút nhưng một khi ngà voi đã được chạm khắc thành nữ trang thì khó hơn nhiều.

Theo tiến sĩ Ball, “thật ngạc nhiên, trong một quốc gia nhiệt đới như Campuchia, chúng tôi đã tìm thấy các mẫu voi ma mút trong các đồ trang sức ngà voi đang được bán. Vì vậy, những mẫu này về cơ bản đến từ vùng lãnh nguyên Bắc Cực, được đào lên từ lòng đất. Và các chủ cửa hàng đang gọi nó là ngà voi nhưng chúng tôi chắc chắn nó là voi ma mút”.

Campuchia có từ 250 đến 500 con voi châu Á hoang dã. Thật khó để đánh giá xem quần thể của chúng như thế nào vì chúng có xu hướng ở sâu trong rừng.

Việc thu mẫu ADN cũng có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc ở đây mặc dù khoan ngà không phải là một lựa chọn cho voi sống.

Thay vào đó, các nhà bảo tồn phải tìm kiếm các mẫu phân – ADN từ phân voi xác định từng con voi và từ đó giúp xây dựng một bức tranh về tổng đàn.

Voi châu Phi được phân loại vào nhóm dễ bị tổn thương, voi châu Á thuộc nhóm đang bị đe dọa. Việc buôn bán ngà voi thường đi đôi với việc buôn lậu các sản phẩm bất hợp pháp khác như sừng tê giác và vảy tê tê. Đó là lý do tại sao các đối tác đang phát triển thêm các công cụ gen để giúp Campuchia xác định các loại hàng lậu khác trước khi quá muộn.

Nhật Anh (Theo BBC)