BVR&MT – Các nhà khoa học vừa xác định được một loài linh trưởng mới sống trong các khu rừng ở miền trung Myanmar với đặc điểm là khuôn mặt giống như mặt nạ có lớp lông xám bờm xờm bao quanh: voọc Popa (Trachypithecus popa).
Theo nghiên cứu chi tiết được Trung tâm Linh trưởng Đức và FFI công bố trên tạp chí Zoological Research, voọc Popa (được đặt tên theo một ngọn núi lửa đã tắt và nơi sinh sống của quần thể lớn nhất gồm khoảng 100 cá thể) đã tồn tại ít nhất một triệu năm nhưng hiện chỉ còn khoảng 200 – 250 cá thể trong tự nhiên. Các chuyên gia xếp chúng vào nhóm cực kỳ nguy cấp.
Nhà nghiên cứu thuộc FFI Frank Momberg cho biết: “Như mô tả, voọc Popa đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng”.
Trong phạm vi sinh sống, loài khỉ nhỏ với những vòng trắng như phấn quanh mắt bị nạn săn bắn và mất sinh cảnh đe dọa.
Bằng chứng đầu tiên về loài mới không được tìm thấy trong tự nhiên mà đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London – nơi phân tích gien cho thấy các mẫu vật thu được cách đây hơn một thế kỷ khi Myanmar còn là thuộc địa của Anh hoàn toàn khớp với các mẫu xương voọc Popa do nhóm của Momberg thu thập.
Trachypithecus popa có bụng màu nâu xám và trắng, bàn tay và cổ tay màu đen trông gần giống găng tay, đuôi gần một mét (dài hơn cơ thể) và nặng khoảng 8 kg.
“FFI và các đối tác sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu thêm để cứu các cá thể voọc khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, Ngwe Lwin, nhà linh trưởng học thuộc FFI Myanmar cho biết.
Có hơn 20 loài voọc trên thế giới, một số loài đang ở mức cực kỳ nguy cấp. Nổi tiếng nhất là voọc Hanuman – được đặt tên theo vị thần khỉ trứ danh trong sử thi Ramayana của đạo Hindu.
Hiện thế giới cũng có hơn 20 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp.
Thế Anh (Theo AFP)