BVR&MT – Các nhà cổ sinh vật học đã mô tả hóa thạch còn sót lại của một loài khủng long phiến sừng ăn thực vật, gồm xương sống lưng, vai, đùi, bàn chân, xương sườn và một số lớp giáp cứng.
Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc và Anh đã xác định được một loài khủng long mới thuộc chi khủng long phiến sừng (stegosaur) tại Trung Quốc.
Đây được cho là loài khủng long phiến sừng cổ xưa nhất từng được tìm thấy ở châu Á và là một trong những loài được khai quật sớm nhất trên thế giới.
Trong nghiên cứu công bố ngày 4/3 trên tạp chí Journal of Vertebrate Paleontology (Cổ sinh vật có xương sống), các nhà cổ sinh vật học đã mô tả hóa thạch còn sót lại của một loài khủng long phiến sừng ăn thực vật, gồm xương sống lưng, vai, đùi, bàn chân, xương sườn và một số lớp giáp cứng.
Niên đại của hóa thạch được xác định ở giai đoạn Bajocian của kỷ Jura giữa, cổ xưa hơn nhiều so với hầu hết các loài khủng long phiến sừng được biết đến.
Theo các nhà khoa học, loài khủng long mới phát hiện có 4 chân và có kích thước tương đối nhỏ, với chiều dài từ đầu mũi đến đuôi khoảng 2,8m. Loài khủng long này đã xuất hiện khoảng 168 triệu năm trước.
Hiện chưa xác định được đây là hóa thạch của khủng long trưởng thành hay chưa trưởng thành.
Các nhà khoa học đã đặt tên cho loài khủng long mới là Bashanosaurus primitivus. Bashan là tên gọi từ thời cổ đại của khu vực Trùng Khánh, Trung Quốc, nơi phát hiện loài khủng long mới, trong khi primitivus trong tiếng Latin có nghĩa là đầu tiên.