Phát hiện loài ếch cây tí hon mới ở Costa Rica

Ẩn mình trong một thung lũng giữa hai ngọn núi lửa, Donald Varela-Soto nghe thấy một thứ tiếng kỳ lạ. Trong vòng 6 tháng, anh đã tìm kiếm nguồn gốc của tiếng ếch kêu chói tai này dọc theo rìa của một vùng đất ngập nước trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thung lũng Tapir, trước đây là một trang trại gia súc ở miền bắc Costa Rica.

Varela-Soto, đồng sở hữu khu bảo tồn tư nhân này chia sẻ: “Tôi liên tục nghe thấy âm thanh kỳ lạ này trong vùng đất ngập nước, nhưng tôi không thể tìm thấy nó. Sau đó, vào một ngày mưa đặc biệt, vùng đất đó nước dâng cao lên, đẩy những con ếch ra đến bờ, và đó là lúc tôi tận mắt chứng kiến loài sinh vật này. Tôi thốt lên, wow, điều này thật tuyệt vời! Con vật này thật đẹp! ”

Loài ếch màu xanh lá cây rực rỡ này là một sự mới mẻ đối với giới khoa học. Nó rất nhỏ, chỉ bằng kích thước của một cái nắp chai và có một đường màu vàng đặc biệt chạy nửa vòng quanh thân của nó. Soto và các đồng nghiệp đã đặt tên cho nó là ếch cây Thung lũng Tapir, với tên khoa học là Tlalocohyla celeste để vinh danh vùng nước màu ngọc lam của Río Celeste, một con sông địa phương. Mô tả chính thức về loài động vật này hiện đã được công bố trên tạp chí Zootaxa .

Sau khi Varela-Soto tìm thấy con ếch cây đực đầu tiên vào ngày mưa năm 2018 đó, Valeria Aspinall, một nhà sinh vật học và là đồng tác giả của nghiên cứu, đã tìm thấy một con ếch cái và quan sát những con ếch này giao phối và đẻ trứng. Nhóm nghiên cứu, bao gồm Aspinall và Juan Abarca, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu bò sát, cùng với hai cô con gái nhỏ của Varela-Soto (cả hai đều dưới 10 tuổi vào lúc đó), đã thu thập và quan sát sự biến đổi của trứng thành nòng nọc, và sau đó là thành ếch trưởng trưởng thành. Kết quả quan sát và phân tích DNA đã xác nhận rằng đây thực sự là một loài động vật mới đối với giới nghiên cứu khoa học.

Các nhà khoa học cho rằng loài ếch cây ở Thung lũng Tapir có thể đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, môi trường sống duy nhất được biết đến của ếch cây là vùng đất ngập nước rộng 8 ha trong Khu bảo tồn thiên nhiên Thung lũng Tapir, tiếp giáp với Vườn quốc gia Núi lửa Tenorio.

Ảnh: Mongabay.com

Khi Varela-Soto và Melvin Rodriguez mua mảnh đất mà sau đó sẽ trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên Thung lũng Tapir, khu rừng đó là đồng cỏ cho gia súc. Nhóm nghiên cứu sau đó đã chuyển đàn gia súc ra ngoài từ 18 năm trước và bắt đầu khôi phục, trồng lại các cánh đồng thành rừng. Khu rừng mới đã thu hút nhiều loại thực vật và động vật từ các khu rừng xung quanh, bao gồm lợn peccary khoang cổ, báo đốm và lợn vòi Baird.

“Tôi yêu loài ếch này, vì nó hé lộ một câu chuyện lớn hơn,” Esteban Brenes-Mora – đồng tác giả nghiên cứu và giám đốc điều hành của Tổ chức Động vật Hoang dã Costa Rica (CRWF) cùng với cộng sự cấp cao Mesoamerica với Re:wild cho biết: “Khi Khu bảo tồn thiên nhiên Thung lũng Tapir được thành lập bởi Soto, mục đích của nó là để bảo vệ heo vòi và giúp chúng di chuyển qua  các cánh rừng. Soto không biết rằng trong khu bảo tồn có những loài vật hoàn toàn mới đối với khoa học, nhưng nếu anh ấy không tạo ra nơi này để bảo vệ cho heo vòi, có lẽ chúng ta đã không bao giờ phát hiện ra loài ếch tí hon này.”

Nhiều năm trôi qua, Varela-Soto đã tìm cách biến Khu bảo tồn thiên nhiên Thung lũng Tapir trở thành phòng thí nghiệm sống để giới thiệu các kỹ thuật và phương pháp phục hồi khác nhau. Ở một số khu vực, đồng cỏ bị bỏ trống, do đó gió và động vật có thể phân tán hạt giống từ các khu rừng lân cận, tạo nên một quá trình gọi là tái sinh tự nhiên.

Các khu vực khác có thể tái sinh nhưng với điều kiện phải có những biện pháp kiểm soát cỏ mọc tự nhiên. Ở các đồng cỏ gia súc bị bao phủ bởi cỏ xâm lấn, nhiều hạt giống rừng không thể mọc được. Việc cắt cỏ có thể giúp cho các loài thực vật bản địa có cơ hội sinh trưởng hơn, tạo điều kiện cho các loài thực vật lá rộng mọc lên và thu hút nhiều loài chim hơn, từ đó phát tán nhiều hạt giống hơn. Varela-Soto cho biết ông nhận thấy tại những khu vực như trên, quá trình tái sinh rừng diễn ra nhanh hơn rất nhiều.

Và cuối cùng, trên một số mảnh đất, đội nghiên cứu đã tiến hành trồng cây. Ban đầu, nhiều cây trong số này không phải là cây bản địa hoặc những loại cây cụ thể quan trọng đối với động vật hoang dã, mà là những cây có sẵn từ các vườn ươm địa phương. Tuy nhiên, Varela-Soto cũng cho biết, việc trồng rừng này đã bắt đầu quá trình phục hồi, thu hút các loài động vật hoang dã mang theo hạt giống cây bản địa. Giờ đây, nhiều loại cây bản địa đang tự mọc lên.

“Một trong những lý do chính mà chúng tôi xây dựng được khu bảo tồn là để bảo vệ loài heo vòi – loài động vật mang tính biểu tượng ở đây,” Varela-Soto chia sẻ. “Heo vòi giúp ích chúng tôi rất nhiều trong quá trình phục hồi vì nó di chuyển nhiều và ăn nhiều.” Khi chúng di chuyển, heo vòi vận chuyển hạt giống cây qua các vùng đất cảnh quan và nuôi dưỡng chúng bằng một loại phân bón tự nhiên.

Tổ chức Động vật Hoang dã Costa Rica đã giúp thành lập một vườn ươm cây ở Thung lũng Tapir để có thể trồng những cây đang bị đe dọa và cây đặc hữu từ các dãy núi Guanacaste và Tilaran. Họ chủ yếu tập trung vào Parmentiera valerii, một loài cây có nguy cơ tuyệt chủng phụ thuộc vào heo vòi để phân tán hạt giống và tồn tại.

Brenes-Mora viết: “Loài cây này đã tiến hóa để thu hút heo vòi bằng cách ra những quả ngọt, có hình dạng như quả dưa chuột được gọi là ‘jicaro’ hoặc ‘cacho’ – một món ăn tuyệt vời dành cho heo vòi.”

Chính những con heo vòi là điều đầu tiên đã thu hút Brenes-Mora và CRWF đến khu vực này vào khoảng 5 năm trước sau khi nghe báo cáo về những con heo vòi đi lang thang xung quanh các đồn điền trong khu vực. Tại đây, họ đã nhìn thấy tiềm năng kết nối và bảo vệ môi trường sống của heo vòi giữa hai vườn quốc gia là Vườn quốc gia núi lửa Miravalles và Vườn quốc gia núi lửa Tenorio. Việc này đang được tiến hành, bao gồm các chương trình giáo dục, tiếp cận với nông dân và chủ đất, phục hồi và bảo vệ rừng.

Mặc dù so với các quốc gia khác ở Mỹ Latin, Costa Rica có nhiều khu bảo tồn hơn nếu tính theo tỷ lệ phần trăm tổng diện tích của nó, các khu rừng tại đây vẫn đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Gần Thung lũng Tapir, việc chăn nuôi gia súc đang được mở rộng, và cũng như trồng dứa độc canh, có sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.

Varela-Soto nói: “Ở Costa Rica, không có quy định cụ thể nào về việc sử dụng thuốc diệt cỏ đối với các khu đất gần đó. Rất nhiều chất hóa học thấm vào các vùng đất ngập nước hoặc các con lạch.”

Cho đến nay, loài ếch cây ở Thung lũng Tapir chỉ được tìm thấy ở vùng đất ngập nước này, chủ yếu ở xung quanh các phần rìa. Varela-Soto và nhóm của mình đang chiến đấu với một đám cỏ xâm lấn, có thể là do gia súc gây ra, ở rìa của vùng đất ngập nước này. “Chúng tôi không muốn sử dụng thuốc diệt cỏ – cách dễ nhất để diệt cỏ, vì nó gây hại cho ếch và các loài động vật hoang dã khác… Nhưng nếu diệt cỏ bằng tay cũng rất tốn kém.”

Chi phí là một vấn đề nan giải. Varela-Soto và Brenes-Mora chia sẻ rằng nhìn chung, việc phục hồi rất tốn kém. Ngay cả việc tái sinh tự nhiên cũng có thể làm mất đi thu nhập của chủ đất từ ​​việc chăn thả gia súc. Nhưng du lịch sinh thái là một ngành công nghiệp lớn ở Costa Rica. Soto cho biết, việc khách du lịch và các nhà khoa học đến thăm khu bảo tồn mang lại thu nhập cho gia đình ông và 3 nhân viên toàn thời gian. Ngoài ra, hướng dẫn viên địa phương, nhà nghỉ, nhà cung cấp thực phẩm và dịch vụ vận chuyển cũng được hưởng lợi.

Brenes-Mora nói: “Thung lũng Tapir là một ví dụ về những gì có thể đạt được nếu có quyết định đúng đắn. Trong trường hợp này, quyết định của một người đàn ông thỏa thuận với đồng sở hữu của mình để dời những con bò đi và sau đó để cho tự nhiên tự phát triển, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi và bảo vệ… Thung lũng Tapir là một ví dụ tuyệt vời về cách động vật hoang dã và con người có thể cùng tồn tại ”.

“[Loài ếch sống ở thung lũng Tapir] là một phát hiện rất quan trọng,” Aspinall chia sẻ. “Costa Rica đang ăn mừng nhờ [Varela-Soto] và tầm nhìn hướng đến sự bảo tồn của anh ấy. Và đây là một câu chuyện đẹp, không chỉ cho giới khoa học và bảo tồn, mà còn với con người nói chung.”

Trúc Mai (Theo Mongabay.com)

CHIA SẺ