BVR&MT – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, chủ đề của Ngày khí tượng thế giới năm nay phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hàng ngày…
Ngày 23/3, tại Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2019.
Theo PGS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), biến đổi khí hậu đã tạo ra những đợt nắng nóng và nhiệt độ cao kỷ lục ở phạm vi địa phương cũng như ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Các hiện tượng sóng nhiệt bắt đầu sớm hơn, kết thúc muộn hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Các mô hình khí hậu dự đoán nhiệt độ trung bình sẽ tăng trên hầu hết các châu lục và đại dương; nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn tại những nơi con người sinh sống; các hiện tượng cực đoan khác như mưa lớn và hạn hán xuất hiện với tần suất nhiều hơn ở một số khu vực trên thế giới. Sự nóng lên toàn cầu kéo theo rủi ro ngày càng gia tăng liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe, sinh kế, an ninh lương thực, cấp nước, an ninh con người và tăng trưởng kinh tế.
Chương trình Ngày Khí tượng thế giới được tổ chức hằng năm nhằm nâng cao công tác phòng, chống thiên tai trong các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng, thủy văn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết: Chủ đề của Ngày khí tượng thế giới năm 2019 là “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết” nhằm phản ánh tôn chỉ hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới và vai trò không thể thay thế của các Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia trong việc giám sát hệ mặt trời, đưa ra những dự báo thời tiết hàng ngày, cũng như cung cấp các thông tin thời tiết, khí hậu và biến đổi khí hậu quan trọng cho chính quyền các cấp, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng.
Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng trong từng công việc mình đang thực hiện.
“Mỗi số liệu quan trắc, mỗi thông tin cảnh báo thiên tai của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đang từng bước góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước” Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Thay mặt các chuyên gia nước ngoài, ông Kari Kahilouto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết: Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày nay, điều kiện thời tiết thay đổi liên tục thậm chí thay đổi hàng giờ. Tác động của việc thay đổi thời tiết ngày càng trở nên nghiêm trọng đặc biệt với các quốc gia dễ tổn thương như Việt Nam.
Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahilouto đánh giá cao chất lượng của công tác dự báo thời tiết mà các chuyên gia Việt Nam cũng như các đồng nghiệp trên toàn Thế giới đã và đang góp phần đáng kể trong việc giảm nhẹ thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi gây ra.
Đại sứ Kari Kahilouto khẳng định đất nước cũng như các chuyên gia thời tiết Phần Lan đã và sẽ luôn sẵn sàng phối hợp vì sự phát triển của ngành KTTV Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ góp phần giúp ngành KTTV Việt Nam phát triển.
Trong khuôn khổ Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng Thế giới, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tọa đàm “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết – Hành động của chúng ta”; Lễ gắn biển Công trình Trạm Khí tượng trên 100 năm lịch sử tại Trạm Khí tượng Phù Liễn…
Từ năm 1950, ngày 23 tháng 3 hàng năm đã được Tổ chức khí tượng thế giới công nhận là ngày Khí tượng thế giới. Sự kiện này nhằm mục đích kêu gọi và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Cơ quan khí tượng thủy văn các quốc gia thành viên trong công cuộc phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. |