BVR&MT – Việt Nam chính thức thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) từ 1/6/2019. Theo đó, không chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước với nghĩa vụ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) nhằm kiểm soát chuỗi cung gỗ, Chính phủ Việt Nam còn đóng vai trò người tiêu thụ với trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm được mua bằng ngân sách là gỗ hợp pháp.
Hệ thống pháp luật và thực tế triển khai hiện nay liệu có đủ đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ được mua sắm bằng nguồn vốn nhà nước là câu hỏi mà Nghiên cứu “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam” đặt ra. Đây đồng thời cũng là chủ đề của Hội thảo do VCCI và Forest Trend – hai đơn vị đồng tác giả của nghiên cứu trên, tổ chức ngày 20/6/2019.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, hiện chưa có thống kê chính xác về quy mô mua sắm công đồ gỗ nhưng có thể khẳng định là nó chiếm thị phần đáng kể trong thị trường nội địa. Chi 20-30% ngân sách hàng năm cho mua sắm công, nhà nước được cho là khách hàng lớn trong thị trường gỗ.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của VCCI và Forest Trend, hiện tại không có quy trình nào để quản lý nguồn gốc gỗ hợp pháp trong Luật Đấu thầu. Hoạt động đấu thầu quy định phải tuân thủ pháp luật đấu thầu và tất cả các hệ thống pháp luật liên quan nhưng nguyên tắc này không đủ để kiểm soát tính hợp pháp của hàng hóa.
Theo đó, Luật Đấu thầu mới có điều kiện về tính hợp lệ của hàng hóa dịch vụ nhưng khái niệm về “hợp lệ” có nghĩa là có chất lượng tuân thủ quy định về chất lượng của lãnh thổ nơi xuất xứ và có các dịch vụ liên quan. Trong khi đó, khái niệm này không đủ so với khuôn khổ của tuân thủ FLEGT và có giá trị pháp lý thấp.
Hội thảo Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt NamĐể thực hiện nghiên cứu, VCCI đã tiến hàng rà soát 13.000 hồ sơ mời thầu trên mạng lưới đấu thầu quốc gia và lọc ra 100 bộ hồ sơ mời thầu sản phẩm gỗ từ 2016-2018. Trong số này có 11% hồ sơ có yêu cầu mua hàng gỗ quý – loại gỗ có rủi ro cao về nguồn gốc gỗ hợp pháp. Trong khi đó 80% số hồ sơ không có yêu cầu về nguồn gốc gỗ.
Từ đó, nhóm nghiên cứu của VCCI khuyến cáo cần bổ sung điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa dịch vụ; quy định chi tiết về điều kiện tính hợp pháp của hàng hóa trong mẫu hồ sơ mời thầu và mẫu hợp đồng. Hơn nữa, cần có hướng dẫn riêng cho các đơn vị mời thầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm đồ gỗ đồng thời thông tin rộng rãi cho doanh nghiệp, nhà thầu về yêu cầu gỗ hợp pháp.
Theo Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Forest Trend, việc đưa ra chính sách mua sắm công đối với sản phẩm gỗ là vô cùng cần thiết và bắt buộc phải có. Việc ban hành chính sách công trong mua sắm đồ gỗ sẽ giúp chính phủ đi tiên phong, chuyển tải thông điệp tới các nhóm tiêu dùng khác, thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng gỗ theo hướng hợp pháp và bền vững; đồng thời tác động chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạch Dương