BVR&MT – Ở huyện vùng cao Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi có gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trên 42% là hộ nghèo, những đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự trở thành “phao cứu sinh” giúp nhiều hộ gia đình làm kinh tế cải thiện cuộc sống.
Theo đoàn cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội phòng giao dịch Na Hang, chúng tôi đến xã Sinh Long, huyện Na Hang, xã có 627 hộ, 2.290 nhân khẩu với trên 90% là đồng bào dân tộc Dao, Mông, Tày…
Sinh Long không có nhiều lợi thế về đất canh tác, nhân dân chủ yếu dựa vào rừng và chăn thả gia súc, cuộc sống thường xuyên trong tình trạng nghèo, đói, lạc hậu.
Gia đình anh Lầu Văn Nó, dân tộc Mông, thôn Phiêng Ten là một trong những điển hình thoát nghèo nhờ “bắt tay” với nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội. Mặc dù là một trong những người nuôi trâu lâu đời nhất ở Phiêng Ten, song do không có vốn nên hàng chục năm anh Nó không mở rộng phát triển được đàn trâu.
Đầu năm 2012, anh Nó mạnh dạn đăng ký vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để có thêm vốn phát triển chăn nuôi. Sau khi bình xét, anh được vay 10 triệu đồng. Số tiền vay được anh mua thêm một con trâu cái sinh sản.
Một năm sau, gia đình anh Nó đã hoàn trả trước hạn số nợ cũ và thoát nghèo. Anh tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để mua thêm trâu bò, mở rộng chăn nuôi.
Đồng thời, anh Nó cũng đầu tư trồng cỏ, ngô bổ sung vào nguồn thức ăn cho trâu bò. Anh kết hợp cách thức chăn thả với nuôi nhốt chuồng để vỗ béo và phòng tránh dịch bệnh cho trâu bò.
Hiện nay, tổng số đàn trâu bò của gia đình anh đã lên đến 14 con; trong đó, một con bò cái lai Sind nặng trên 7 tạ đã cho 10 con giống, được thương lái định giá khoảng 90 triệu đồng. Tổng tài sản gia đình ước đạt gần 400 triệu đồng.
Anh Lầu Văn Đình, trưởng thôn Phiêng Ten cho biết, thôn có 32 hộ, trong đó có 19 hộ đã và đang được vay vốn từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 470 triệu đồng. Nhờ sự tư vấn của cán bộ xã và phía ngân hàng nên nhiều hộ gia đình đã tìm được hướng đi đúng đắn để thoát nghèo. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm xuống còn 31%.
Trước năm 2012, gia đình anh Sùng Văn Bình, dân tộc Mông từng là hộ nghèo nhất thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long. Cả gia đình 6 khẩu ở trong căn nhà gỗ rộng chưa đầy 20 m2. Dù có trên 5.000 m2 ruộng nương nhưng do không có vốn, không có kinh nghiệm sản xuất cộng với địa hình canh tác khó khăn nên gia đình anh chưa khi nào sản xuất được hết diện tích đất sẵn có.
Đầu năm 2012, anh Bình được xét cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền vay được, anh mua một con trâu cái sinh sản. Để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, anh đã quy hoạch một nửa diện tích đất trồng cỏ, ngô. Sau 2 năm, từ việc bán trâu nghé, anh hoàn trả được số nợ cũ và thoát nghèo.
Anh tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng đàn trâu. Hiện anh Bình có đàn con trâu 4 con. Trong ngôi nhà được sửa sang rộng rãi, anh Sùng Văn Bình phấn khởi cho biết: “Mừng nhất là không còn đói nữa, các con cũng có điều kiện học hành. Anh sửa sang nhà cửa, mua bàn ghế mới, mua ti vi, xe máy”.
Ông Sùng Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Sinh Long chia sẻ, được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội từ những năm 2003, 2004, cuộc sống của nhân dân xã Sinh Long, đặc biệt là những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn đã cải thiện đáng kể. Giai đoạn 2010 – 2015, số hộ nghèo trong xã giảm từ từ 90% năm 2012 xuống còn 40,1% năm 2015. Đến nay, đã có trên 396 hộ nghèo và các đối tượng chính sách của xã được vay vốn với tổng dư nợ trên 10,5 tỷ đồng.
Ông Nông Ngọc Lân, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ các chương trình tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trên địa bàn huyện là trên 200 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch, tăng gần 6 tỷ so với năm 2016.
Trong thời gian tới, phòng giao dịch tập trung vốn cho vay vào các xã xây dựng nông thôn mới, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức hội nhận ủy thác thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay đúng đối tượng thụ hưởng; phấn đấu đến hết quý II/2017, tổng dư nợ toàn huyện đạt 218 tỷ đồng.