Phân loại và tận dụng triệt để rác thải sẽ là nguồn tài nguyên vô cùng lớn

BVR&MT – Tham gia ý kiến thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn, nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cần lộ trình cụ thể, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn

Phát biểu ở hội trường chiều 31/5, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, hiện nay việc kiểm soát chất thải sinh hoạt ở nước ta còn nhiều hạn chế, trong đó có rác thải rắn…

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) góp ý kiến về vấn đề phân loại và tái chế rác thải rắn.

Theo đại biểu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và tác động của quá trình đô thị hóa, lượng chất thải rắn phát sinh của Việt Nam có tốc độ tăng 10% mỗi năm. Ước tính mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải, tuy nhiên chỉ có 15% được thu gom, tái chế hoặc tái sử dụng.

Theo Tổng cục Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, nhưng chưa đến 20% trong số đó bảo đảm hợp vệ sinh. “Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường mà còn khiến cho Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới”, đại biểu nêu rõ.

Theo đại biểu, tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số máy móc, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Thế nhưng, các chương trình phân loại rác tại nguồn ở các địa phương phần lớn chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ và chính thức hóa.

Đại biểu lý giải nguyên nhân là do thiết bị thu gom, vận chuyển chưa phù hợp với rác thải được phân loại. Nhiều nơi áp dụng một phương pháp xử lý cho tất cả các rác thải được thu gom; kinh phí thực hiện phân loại rác tại nguồn còn cao. Bên cạnh đó, còn thiếu chương trình truyền thông mang tính tổng thể về phân loại rác tại nguồn.

Đại biểu Hương cho biết, Luật Bảo vệ môi trường quy định rác thải phân loại tại nguồn, nhưng phân loại xong sau đó xử lý sản xuất tái chế ra sao, việc sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào thì chưa quy làm rõ.

Những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phân loại rác và không sử dụng bao bì chứa rác đúng quy định có hiệu lực kể từ tháng 8/2022 nhưng chưa có những phương án chi tiết, hành động cụ thể nên vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, việc xử lý rác nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích đầu tư xã hội hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Đại biểu nhấn mạnh, rác thải nếu được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng lớn. Nếu khai thác tốt cũng chính là một trong những giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định rõ lộ trình với những biện pháp cụ thể, phù hợp, khả thi hơn trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu tăng cường hơn nữa các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm khuyến khích và hỗ trợ các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp trong xử lý, tái tạo chất thải rắn sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và nhận định của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Báo cáo cũng đã chỉ rõ, dự báo năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, vì vậy Việt Nam cần có dự báo chính xác rủi ro, có giải pháp linh hoạt để ứng phó, bảo đảm kinh tế ổn định, phát triển.

Đại biểu nêu rõ, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, hậu quả khó đoán định, gây ảnh hưởng nặng nề trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất kinh doanh, đến mọi mặt đời sống xã hội, sinh kế của người dân. Biến đổi khí hậu cũng được coi là thách thức nghiêm trọng đối với sự tồn vong của nhân loại.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) tham gia ý kiến thảo luận.

Trong 11 nhiệm vụ trọng tâm bao trùm các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà Chính phủ đã đề ra trong thời gian sắp tới có nhiệm vụ số 6 đã thể hiện Chính phủ sẽ quyết liệt triển khai chiến lược Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng.

Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất cần thiết cần phải nỗ lực triển khai thường xuyên để bảo đảm sự chủ động thích ứng, bảo vệ cộng đồng, môi trường tự nhiên và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, thể hiện một đất nước Việt Nam trách nhiệm, sẵn sàng hành động chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Đại biểu đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ để thực hiện hành động ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP26.

Để có thể hiện thực hóa cam kết trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sau khi có các kế hoạch cụ thể, mục tiêu rõ ràng, phân định trách nhiệm các bên liên quan cần có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, thường xuyên, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình.

Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu, giải pháp thông minh và khoa học công nghệ trong hành động của Việt Nam; đồng thời có chính sách quy hoạch phát triển dài hạn lồng ghép mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải…

Đại biểu Lan cũng đề nghị cần đặc biệt chú trọng đến các giải pháp trong ngành nông nghiệp vì đây là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, chiếm gần 20% GDP, vừa là ngành chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu và vừa là ngành tạo ra lượng phát thải lớn, chiếm đến 10-25%.