BVR&MT – Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, với hơn 90% số dân là đồng bào dân tộc H’Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Những năm qua, bằng nội lực và khát vọng vươn lên, người dân nơi đây đang từng bước vươn lên thoát nghèo, với nhiều mô hình kinh tế mang hiệu quả cao được nhân rộng.
Chúng tôi đến nhà già làng Giàng Chứ Ly, người có uy tín và là điển hình làm kinh tế giỏi của bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn. Bên chén rượu thóc thơm nồng nhâm nhi với cá ruộng nướng vừa mới bắt về buổi sáng, già Giàng Chứ Ly chia sẻ: Rượu thóc La Pán Tẩn là một trong những sản phẩm đặc sắc của núi rừng Tây Bắc, đã đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”). Mỗi tháng gia đình tôi thu nhập gần ba triệu đồng từ nấu rượu. Bã rượu được tận dụng làm phụ gia nuôi đàn lợn hơn 30 con, cùng năm con trâu và bốn con bò. Nhờ tăng gia sản xuất chăn nuôi, kết hợp với nấu rượu thóc cho nên gia đình ông là hộ có kinh tế khá giả nhất xã. Ngoài ra, ông Ly còn xây một ngôi nhà sàn khang trang để đón khách du lịch đến nghỉ, tạo thêm việc làm mới và tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, Vàng A Dờ cho biết: Xã xác định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch khám phá là hướng thoát nghèo cho gần 1.000 hộ dân nơi đây. Với lợi thế nằm trong khu di tích quốc gia đặc biệt danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, với diện tích hơn 800 ha, trong đó đồi Mâm Xôi là điểm hấp dẫn du khách khi đến Mù Cang Chải. Vậy nên, ngoài việc đầu tư “cứng hóa” đường giao thông đến năm bản, xã còn vận động các hộ trồng hoa ven đường, vệ sinh môi trường, nuôi gà đen, lợn bản… để phục vụ du khách. Đến nay, toàn xã đã làm mới 14 nhà du lịch cộng đồng, có hai khu được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người H’Mông. Hiện xã chuẩn bị khởi công khu du lịch dù lượn tại bản Tà Chí Lừ. Khi tham gia bay dù lượn, du khách sẽ bao quát được toàn bộ vẻ đẹp của khu danh thắng ruộng bậc thang. Năm 2021, xã tập trung mọi nguồn lực, hỗ trợ xi-măng làm nền nhà và các công trình vệ sinh, phấn đấu xóa được 64 hộ nghèo.
Tại bản Trống Là, xã Hồ Bốn, gia đình Sùng A Páo đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, từ chăn nuôi lợn thả rông phục vụ sinh hoạt gia đình, sang đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn sạch theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2020, anh Páo mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chuồng trại quy mô và mua lợn giống. Đến nay, đàn lợn của gia đình anh đã có gần 100 con. Giá bán lợn đen hiện nay là 70.000 đồng/kg đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Theo kỹ sư Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, trước đây, người dân chủ yếu sản xuất tự cung tự cấp, nhưng nhiều năm qua, nhờ sự hỗ trợ đầu tư, tuyên truyền, vận động của Nhà nước, ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ nỗ lực học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu, mạnh dạn đưa vào nuôi thử nghiệm các loại cây con mới như: hồng không hạt, sa nhân, thảo quả, lúa chịu hạn, nuôi cá ruộng… Do dịch Covid-19, một số nông sản gặp khó khăn về đầu ra như quả sơn tra (táo mèo) giá chỉ bán được một nửa so với trước. Nhưng “trong cái khó lại ló cái khôn”, quả sơn tra không được giá thì bà con lại bán cành quả để làm cảnh, mỗi cành có giá từ 50.000 đến 70.000 đồng, cũng đem lại nguồn thu đáng kể.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết, với hơn 80.000 ha rừng, trong đó có hơn 20.000 ha rừng đặc dụng, huyện đã giao đất, giao rừng cho từng người dân và các nhóm hộ. Được hưởng dịch vụ từ môi trường rừng, người dân rất gắn bó với rừng. Có gia đình hằng năm được hưởng lợi từ 40 đến 45 triệu đồng từ bảo vệ rừng. Dưới tán rừng, người dân trồng cây dược liệu với 2.132 ha thảo quả, gần 150 ha cây sa nhân. Hơn 4.900 ha sơn tra vừa cho quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vừa phòng, chống cháy rừng rất tốt. Nhờ giữ rừng tốt, độ che phủ của rừng đạt gần 67%. Đây là tỷ lệ cao so với các huyện trong tỉnh Yên Bái cũng như ở nhiều nơi khác. Với mục tiêu hằng năm giảm nghèo từ 7 đến 8% trở lên, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sắc, phát triển du lịch “Xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”, Mù Cang Chải đã có nhiều cách làm hay để tiến gần đến đích trở thành huyện du lịch của vùng Tây Bắc vào năm 2025.