BVR&MT – Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước.
Xây dựng ít nhất 300 mô hình hợp tác xã nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia. Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã; vận động từ 40-45% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên hợp tác xã nông nghiệp.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có hơn 3.000 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Có khoảng 30% số cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp được đào tạo…
Nghị quyết nêu một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương. Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững hợp tác xã nông nghiệp.
Huy động các tổ chức quốc tế tài trợ cho hợp tác xã nông nghiệp và thành viên tham gia các chương trình, đề án, dự án sản xuất nông nghiệp an toàn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, chế biến phụ phẩm nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, xóa đói, giảm nghèo…