PGS.TS Bùi Thị An: “Để Luật môi trường đi vào thực tiễn cần có thời gian, lộ trình”

Ngày Môi trường thế giới 5/6:

BVR&MT – Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (05/06/2022), Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (RECO) xung quanh các vấn đề gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nhức nhối như hiện nay.

Trò chuyện cùng PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng.

PV: Chào bà, bà có thể đánh giá chế tài xử phạt trong vấn đề môi trường của Nhà nước hiện nay?

PGS.TS Bùi Thị An: Chế tài xử phạt hiện nay đã tăng lên, mức độ nặng hơn so với ngày trước về xử phạt hành chính. Các hình thức xử phạt hiện giờ được trao quyền cho Cảnh sát môi trường, điều đó đảm bảo tốt hơn trước đây.

So với trước đây, khi có vấn đề xảy ra các bên cơ quan chính quyền còn phải ngồi lại với nhau để đưa ra phương hướng giải quyết nhưng hiện nay cơ quan chức năng được xử lý vi phạm ngay. Tuy nhiên, vẫn còn gặp những khó khăn.

Thứ nhất, vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nóng ở tất cả lĩnh vực như: không khí, đất, nước… Về ô nhiễm không khí hiện giờ đã có hệ thống quan trắc nhưng hệ thống quan trắc chỉ để xác định thành phố nào ô nhiễm chứ chưa xác định được chủ thể gây ô nhiễm. Đặc biệt trong định lượng, các nhà máy xả thải khó có thể định lượng được mức độ gây ô nhiễm dẫn đến việc khó xử phạt.

Đối với một số địa phương có thể phân vùng như trong nông nghiệp người dân đốt rơm, rạ hay việc sử dụng than tổ ong để đốt chỉ có thể vận động họ không đốt nữa. Đối với những loại xe cũ, nát gây ảnh hưởng đến môi trường cũng đều phải hỗ trợ, vận động họ.

Về ô nhiễm môi trường nước có thể giám sát, khẳng định được ngay thời điểm xả thải, nhưng xả thải vào ban đêm khó có thể xác định được. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra họ vẫn có hồ chứa và chỉ xả thải trộm ra môi trường.

Rác thải đang là vấn nạn rất lớn so với Việt Nam không ở riêng thành phố nào, không chỉ ở đồng bằng, miền núi mà ở tất cả khắp nơi. Từ thành phố đến nông thôn hay sông ngòi, biển, rừng cũng đều bị ô nhiễm. Đây là thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện theo định hướng kinh tế tuần hoàn, nếu để thực hiện tốt điều này trước tiên phải phân loại rác nếu không sẽ khó thực hiện được kinh tế tuần hoàn mặc dù nền kinh tế tuần hoàn đem lại nguồn lợi cho Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân. Trước hết đem lại nguồn lợi cho môi trường, tuy nhiên việc phân loại rác hiện nay chưa thực hiện được. Nếu muốn phân loại rác phải có đủ điều kiện cho người dân phân loại ngay từ đầu, mọi khâu xử lý từ phân loại, thu gom, xử lý rác đều phải đồng bộ mới có hiệu quả.

Nền kinh tế tuần hoàn hiện là chủ trương, định hướng của Nhà nước đã được thí điểm tại nhiều nơi và khuyến khích trong nông nghiệp nhất là các chất thải ra nhưng chưa được lan tỏa. Về rác thải sinh hoạt có mong muốn thực hiện nhưng vẫn chưa thực hiện được. Để thực hiện được nền kinh tế tuần hoàn cần có nội dung, bước đi cụ thể.

Để việc thực thi Luật một cách nghiêm chỉnh thì hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Luật môi trường có hiệu lực từ 2022 so với Luật môi trường 2014 có tiến bộ hơn nhiều tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế khi đi vào thực tiễn cho nên cần phải có thời gian và lộ trình.

PV: Thưa bà, mặc dù hiện nay đã có nhiều chế tài xử phạt nặng tuy nhiên vẫn còn xảy ra nhiều hiện tượng nhức nhối gần đây nhất như: vụ việc Công ty bóng đèn điện quang, hố tử thần tại tỉnh Nghệ An, vụ phá rừng 382,07ha tại tiểu khu 222-225. Liệu rằng chế tài xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe nên tình trạng phá hoại môi trường vẫn đang tiếp diễn với mức độ ngày càng nặng hơn không ?

PGS.TS Bùi Thị An: Nói về vấn đề này, người đánh giá chính xác nhất phải là cơ quan chức năng và nhẹ tay hay không thì phải so với Luật. Về hình phạt có đủ nặng hay chưa rất khó nói vì trong trường hợp họ kinh doanh cho là lớn nhưng còn phải căn cứ vào lợi nhuận họ thu lại có thể con số bị phạt còn nhỏ so với lợi nhuận, họ vẫn sẵn sàng làm cho nên việc này chỉ có cơ quan quản lý mới đánh giá được việc xử phạt có tương xứng hay chưa. Để không còn vi phạm ngoài phạt hành chính, thậm chí còn phạt về hình sự sẽ gây sức nặng hơn còn đơn giản chỉ phạt tiền họ vẫn sẽ tiếp tục tái diễn.

Trong trường hợp này người dân là người chịu thiệt hại nặng nề nhất cho nên trong việc xử lý cần phải lấy người dân làm trung tâm theo chỉ đạo, thể hiện tinh thần theo Nghị quyết của Trung ương ở Đại hội XIII. Tức là, mọi chính sách phải xuất phát từ người dân, lấy người dân làm trung tâm để ban hành chính sách, khi người dân bị thiệt cần phải có chính sách để triệt tiêu gây ô nhiễm môi trường thể hiện đúng cam kết của Chính phủ không đánh đổi kinh tế lấy môi trường mà bảo vệ môi trường sống trong sạch của người dân như Hiến pháp đã định, mọi người dân Việt Nam đều có quyền sống trong môi trường trong lành.

Việc thực thi Luật cần phải mạnh mẽ hơn, cơ quan chức năng cần phải công khai, minh bạch toàn bộ cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để việc xử phạt được nghiêm minh.

PV: Về thực trạng ngập lụt ở Hà Nội diễn ra trong những ngày vừa qua sau các trận mưa lớn ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Vậy nguyên nhân do đâu, giải pháp nào được đưa ra cho thực trạng này, thưa bà?

PGS.TS Bùi Thị An: Ngập lụt tại Hà Nội hay TP.HCM điều này không ai mong muốn, do trận mưa lịch sử hàng trăm năm mới có cũng nằm ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, để các thành phố không bị ngập phải nói đến vấn đề quy hoạch. Đầu tiên là quy hoạch thoát nước, Hà Nội cũng như một số thành phố khác cũng tốn rất nhiều tiền để làm điều này. Tại một số nơi khác đã làm được nhưng để nhìn tổng thể hễ mưa là ngập, hễ mưa là tắc về lâu dài sẽ gây bức xúc cho người dân, làm tổn hại đến kinh tế, đời sống sinh hoạt đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường.

Cần phải xem lại thiết kế về mạch thoát nước ở các đô thị để thiết kế cho phù hợp. Mục tiêu cao nhất của thành phố Hà Nội là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong đó có ăn, ở, học hành… nhưng đến mỗi trận mưa lại ngập. Ở những vùng cao hơn không có vấn đề gì nhưng vùng thấp nước dềnh vào trong nhà gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống người dân dù có tẩy, khử cũng phải mất thời gian để hết mùi.

Thành phố Hà Nội cần quan tâm đến thiết kế, quy hoạch thoát nước đặc biệt cần xem lại ao, hồ còn nguyên cần cố gắng giữ lại hệ thống không nên lấp. Việc lấp ao, hồ là một trong những nguyên nhân gây hết nơi chứa.

PV: Cũng là một vấn nạn nhức nhối về ô nhiễm môi trường tại các làng nghề bao năm qua vẫn đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt người dân vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo bà, cần phải giải quyết bài toán này như thế nào?

PGS.TS Bùi Thị An: Đầu tiên phải nói đến các làng nghề Việt Nam tồn tại từ rất lâu mang lại thu nhập cho hàng triệu lao động cũng là nghề mưu sinh cho họ. Sự tồn tại của làng nghề song hành với cuộc sống mưu sinh của người dân, chuyện này rất tốt. Nhưng bên cạnh đó, chính làng nghề lại gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu, đi tìm nguyên nhân ô nhiễm làng nghề nhưng vẫn chưa có kết quả và chưa giải quyết được thực trạng này. Theo quan sát, tại Hà Nội đã có những khu công nghiệp xây dựng tập trung để đưa làng nghề từ trong nội đô ra, thế nhưng một số người dân tự giác ra, một số còn lại người họ không muốn đều có lý do. Việc di chuyển ra khu tập trung sẽ rất tốt, từ việc xử lý ô nhiễm không khí, nước… đều được quản lý, xử lý đảm bảo. Nhưng khi di chuyển ra khu tập trung địa điểm sẽ xa hơn, việc cung ứng, đầu ra đều sẽ gặp những hạn chế. Một số cơ sở nhỏ họ rất khó có thể bỏ một số tiền lớn để thuê nơi sản xuất.

Việc di chuyển ra khu tập trung rất tốt nhưng một số người không đủ điều kiện để ra, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, thói quen lâu dài của người dân họ không muốn đi chỉ muốn ở lại chắc chắn sẽ lại gây ô nhiễm môi trường. Trong làng nghề có nhiều nghề sản xuất khác nhau, mức độ xả thải và nguồn nước thải cũng đều khác nhau cho nên không ai có điều kiện để xây dựng bể chứa xử lý, đây là vấn đề nan giải.

Bên cạnh đó, để giải quyết được vấn đề này cần phải có quỹ của Nhà nước hỗ trợ cho các làng nghề vào cùng một khu tập trung để hình thành chuỗi liên kết nếu không có quỹ sẽ rất khó. Đây là vấn đề mà Nhà nước cần phải có kế hoạch hỗ trợ người dân. Các nước khác làm được thì Việt Nam sẽ làm được.

PV: Vậy theo bà, việc kiểm soát bảo vệ rừng và ô nhiễm môi trường cần sự chung tay góp sức của các bộ, ngành, địa phương, theo bà các đơn vị này cần triển khai những hoạt động gì để cùng vào cuộc?

PGS.TS Bùi Thị An: Đầu tiên cần trách nhiệm Quản lý của Nhà nước, người đứng đầu địa phương phải có trách nhiệm, tổ chức kiểm soát thường xuyên. Hiện nay rừng ở xa người dân nếu chung tay, nếu người dân ý thức được việc phá rừng, phát hiện người phá rừng phải tố cáo nhưng vẫn sẽ khó. Do đó, cần phải trao trách nhiệm cho người quản lý, cần phải kiểm soát triệt tiêu toàn bộ nơi tiêu thụ gỗ, đưa hình phạt nặng hơn. Cần phải quy trách nhiệm về người đứng đầu địa phương như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện… những nơi có rừng phải quản lý chặt chẽ nếu như thiếu 1ha nào cũng đều phải chịu trách nhiệm, chứ không thể để kéo dài sau mỗi vụ việc bị phát hiện lại có vụ việc khác tiếp diễn rồi cơ quan chức năng lại vào cuộc phạt vài người, bắt vài người không giải quyết dứt điểm được.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

Quỳnh Anh