BVR&MT – Từ xa xưa, xã Đặng Sơn (Đô Lương, Nghệ An) được biết đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Một thời, bát ngát đồng bãi ven sông Lam qua địa bàn xã là những nương dâu xanh rì; song qua thời gian, làng nghề dần thu hẹp lại. Tuy không còn nhộn nhịp như trước đây, nhưng về Đặng Sơn hôm nay, du khách vẫn ngỡ ngàng trước những mảng vàng tằm tơ óng ả và tìm hiểu “nghề ăn cơm đứng” truyền thống nơi đây.
Ở xã Đặng Sơn hiện có khoảng gần 40 hộ trồng dâu, nuôi tằm và khoảng 6 hộ làm nghề ươm tơ. Nghề không nhàn rỗi, vì đặc điểm thời gian tằm ăn cách khoảng 3 tiếng/lần. Nghề nuôi tằm vì thế còn được gọi vui là “nghề ăn cơm đứng”, vì dù làm gì cũng phải đúng thời gian cho tằm ăn, như vậy tằm mới chín sớm và đạt năng suất cao. Ảnh: Hải Vương
Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải canh nắng nhẹ sao cho kén khô, thơm, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Ảnh: Lê Thắng
Một hình ảnh đẹp dễ bắt gặp khi về với làng nghề tằm tơ xứ Lường. Những mảng kén vàng óng ả, nụ cười rạng rỡ của người làm nghề hồn hậu gây cảm tình cho bất kỳ du khách nào có dịp ghé chân. Ảnh: Lê Thắng
Tằm nuôi để ươm kén, lấy tơ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Trước đây dùng guồng quay tơ thủ công nhưng gần đây có máy móc hỗ trợ nên người dân cũng đỡ vất vả hơn. Ảnh: Hải Vương
Những sợi to mỏng manh bắt đầu được kéo lên. Ảnh: Lê Thắng
Chị Hường ở xóm 4, xã Đặng Sơn năm nay 53 tuổi. Chị cho biết, bản thân đã gắn bó với nghề khoảng 20 năm, trải qua bao thăng trầm của làng nghề này. Hiện tại, mỗi ngày chị làm 8 tiếng, thu nhập khoảng 150.000 đồng/ngày, tuy không cao nhưng ổn định vì nghề làm quanh năm. Ảnh: Hải Vương
Từ khi tằm nhả tơ cho đến lúc dệt thành vải phải trải qua nhiều giai đoạn: ươm tơ, lấy tơ, nhập tơ, guồng tơ, đánh ống, mắc cửi… rồi nối cửi, rồi dệt. Ở Đặng Sơn, tơ tằm được cuộn lại thành những nén tơ hoặc ống tơ. Ảnh: Hải Vương
Những nén tơ óng ả hong trên đường làng. Ảnh: Hải Vương