BVR&MT – Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hòa Bình (OCOP – Hòa Bình) được thực hiện với kinh phí hơn 785.680 triệu đồng đã mang lại các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không chỉ phù hợp với thị trường mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Hòa Bình theo hướng bền vững.
Xem thêm:
Hòa Bình: Phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất cây ăn quả có múi
Lương Sơn – Hòa Bình: Đẩy mạnh phát triển thương hiệu rau hữu cơ
Thực hiện quyết định số 490/QĐ-Ttg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020. Ngày 26/04/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định số 878/QĐ-UBND, Phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Hòa Bình. Trong đó, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hòa Bình (OCOP – Hòa Bình) là hơn 785.680 triệu đồng.
Theo văn bản UBND tỉnh Hòa Bình, với thế mạnh là vùng có diện tích vùng hồ rộng lớn, môi trường tương đối trong sạch, khí hậu mát mẻ không quá nóng, cùng địa hình núi cao, phong cảnh thiên nhiên phong phú và tài nguyên tự nhiên như suối, nước nóng, thuận tiện cho việc nuôi trồng thủy sản và có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay, đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng cộng 420 sản phẩm.
Trọng tâm Chương trình OCOP – Hòa Bình chính là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của địa phương theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tại cộng đồng thực hiện. Trong giai đoạn 2019 – 2020, tổng kinh phí là hơn 121.017 triệu đồng, phát triển sản phẩm triển khai chuẩn hóa 50 sản phẩm thế mạnh. Thực hiện thí điểm 10 sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm: Cá tôm Sông Đà TP Hòa Bình, Gà Lạc Thủy huyện Lạc Thủy, Kim chi mang huyện Lạc Thủy, Miến dong huyện Kỳ Sơn, Chè Shan tuyết TP Hòa Bình, Rượu men cao huyện Cao Phong, Cao cà gai leo huyện Yên Thủy, Dệt thổ cẩm Mai Châu huyện Mai Châu, Gỗ Lũa huyện Lương Sơn, Du lịch Bản Lác huyện Mai Châu.; giai đoạn 2012 – 2030 với hơn 664.662 triệu đồng.
Ðể phát huy những ưu thế của OCOP đối với việc phát triển kinh tế ở nông thôn trong điều kiện đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, khắc phục hạn chế quy mô sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở khu vực nông thôn nhỏ lẻ, tỉnh Hòa Bình đã có văn bản đề xuất một số giải pháp thúc đẩy OCOP đạt hiệu quả cao.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông triển khai thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện các đối tượng là Hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức tham gia OCOP nâng cao về tổ chức sản xuất và kinh doanh. Bao gồm, tái cơ cấu các tổ chức kinh tế. Hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình; kết nối các tổ chức với các nhà tư vấn phù hợp với ngành hàng và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác.
Văn Trì