BVR&MT– UBND thị trấn Kiên Khê có 23 cán bộ, kiểm tra y tế thì tất cả đều nhiễm độc chì, asen… còn dân có cả trăm trường hợp mắc bệnh liên quan đường hô hấp.
Năm 2005 – 2010 tỉnh Hà Nam quyết định khai thác sản xuất vật liệu xây dựng là mũi nhọn. Khu vực Tây sông Đáy (Tây Đáy) trở thành vùng sản xuất vật liệu xây dựng. Phát triển “nóng” khiến khu vực Tây Đáy phải đánh đổi ô nhiễm môi trường trầm trọng. Người dân chịu đựng muôn kiểu ô nhiễm.
Theo Sở TN&MT Hà Nam, trên địa bàn khu vực Tây sông Đáy thuộc 2 huyện Thanh Liêm, Kim Bảng hiện có: 73 tổ chức được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng với 79 điểm mỏ (trong đó, 62 giấy phép dài hạn, 17 giấy phép ngắn hạn); có 6 doanh nghiệp với 11 dây chuyền sản xuất xi măng với công nghệ lò quay với tổng công suất thiết kế là 13,57 triệu tấn xi măng/năm. Ngoài ra, còn có 29 khu chế biến tập trung tổng diện tích các bãi là 291.6 ha, trong đó cấp phép cho 42 doanh nghiệp làm bãi chế biến và văn phòng điều hành…; 4 tổ chức được Bộ TN-MT cấp phép khai thác đá vôi làm xi măng; và hàng chục điểm khai thác mỏ …
Hiện môi trường khu vực Tây sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng nề do khói, bụi sản xuất vật liệu xây dựng từ các nhà máy xi măng, các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá và một số lò apphan. 6 nhà máy đang hoạt động: Xi măng Hoàng Long, xi măng Thành Thắng, xi măng Xuân Thành, xi măng vissai Hà Nam, xi măng Bút Sơn, xi măng Kiện Khê… Các nhà máy này đều chưa lắp thiết bị quan trắc bụi tự động. Một số nhà máy xi măng không chạy lọc tĩnh điện để lọc bụi vào thời điểm ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, ngày có mưa mà xả khói, bụi rực tiếp vào môi trường không khí. Hoạt động nghiền nguyên liệu đá, băng tải xi măng rời, máng rót đá, clinke xuống tàu thuyền cũng phát tán bụi với nồng độ lớn gây ô nhiễm nặng nề.
Một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt quá khối lượng theo thiết kế, phương án được chấp thuận; hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực dàn nghiền không được thực hiện thường xuyên, triệt để cũng là một trong những nguyên nhân phát tán bụi đá khiến môi trường ô nhiễm.
Việc nổ mìn gây rung chấn lớn, gây lún nứt nhà dân là do một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vị trí mỏ gần nhau tiến hành nổ mìn đồng thời cùng 1 thời điểm, sử dụng lượng thuốc nổ lớn, vượt định mức phương án phê duyệt dẫn đến rung chấn.
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT Hà Nam) hàm lượng bụi tổng số ở hầu hết các khu vực nóng về môi trường ở khu vực Tây Đáy đều cao hơn QCVN từ 1,96 – 3,09 lần, phản ánh đúng thực trạng ô nhiễm bụi trên các địa bàn. Riêng tiếng ồn ở khu vực thị trấn Kiện Khê cao hơn quy chuẩn 1,03 lần.
Thực tế, vào thời điểm các doanh nghiệp khai thác đá thực hiện nổ mìn hoặc nhà máy xi măng gặp sự cố, mức độ ô nhiễm môi trường do bụi đá còn cao hơn rất nhiều số liệu quan trắc.
Tới thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy có thể dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà bán kiên cố của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ rung chấn nổ mìn. Chị Phạm Thị Hiền bức xúc chỉ cho chúng tôi xem những vết nứt toác ngang dọc quanh tường ngôi nhà của mẹ chồng là bà Vụ Thị Tín do ảnh hưởng rung chấn từ mìn.
Chị Hiền cho biết, không riêng nhà của bà Tín nhiều ngôi nhà trong thôn cũng phải chịu cảnh trời mưa nước ngấm vào qua các góc nhà bị nứt, còn khi trời nắng thì bụi trắng xóa, trong nhà có bao nhiêu lỗ cửa hở ra là phải bịt kín vì bụi. Doanh nghiệp nổ mìn khai thác đá bất kể giờ giấc. Hết đá là họ cho nổ mìn. Cứ sau mỗi tiếng nổ là nhà cửa rung chuyển, bụi mù mịt. Trước đây còn bị đá văng cả vào nhà nhưng nay thì không còn nhưng bụi thì không hề giảm.
Ông Cao Đức Hồng, Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Thủy bức xúc chia sẻ, ngày mưa còn đỡ, nếu vào ngày thời tiết hanh khô thì ngồi ngay tại trụ sở xã này chỉ 5 phút đồ vật bụi phủ trắng phốp chưa nói đến nhà dân. Ngoài nổ mìn các nhà máy chế biến vật liệu bên bờ sông Đáy chạy suốt ngày đêm theo ca kíp không có giờ nghỉ. Người dân bị ung thư tương đối nhiều nhưng cũng không thể xác định được rõ nguyên nhân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nêu ý kiến cử tri tại các kỳ họp HĐND nhưng chỉ thấy các đại biểu tiếp thu, trả lời tại chỗ chứ chưa bao giờ giải trình sẽ khắc phục ra sao.
Hiện hơn 500 hộ dân từ khu vực thôn Trung Thành chạy xuống giáp Thanh Tân và hai thôn Đồng Ao, Mỹ Tho chịu ảnh hưởng ô nhiễm không khí bụi, bị nứt nhà cửa do nổ mìn. “Không biết phép cấp thế nào nhưng nổ mìn như thế khối lượng thuốc nổ rất lớn mới rung chuyển rầm rầm”, ông Hồng nói.
Hậu quả dân lãnh đủ
Hệ lụy từ khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng thu lợi nhuận bỏ túi của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, người dân trực tiếp lãnh đủ hậu quả với nhiều thứ bệnh tật khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri bà con luôn có ý kiến phản ánh nguyện vọng chính đáng yêu cầu chính quyền cần có biện pháp làm sạch môi trường đang ô nhiễm nặng nề hệ lụy từ việc khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Trần Quyết Thành – Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho rằng tỷ lệ ung thư tăng do ô nhiễm không khí bụi. Các bệnh phổ biến dân thường mắc phải là đau mắt, viêm phế quản… Các tiểu khu Tân Lân, Tân Sơn và Đồng Ấm với hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất của việc nổ mìn lấy đá. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là khu vực Đồng Ấm có 17 hộ dân sống trong khu vực lòng chảo bốn bên là doanh nghiệp khai thác đá nên nhà bị lún nứt nghiêm trọng. Hiện thị trấn đang làm thủ tục xin đất tái định cư để di chuyển các hộ dân ra bên ngoài.
Hàng năm khi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, kiểu gì cũng phát hiện ra thanh niên Kiện Khê bị ảnh hưởng của viêm phế quản không nhẹ thì nặng…
Theo ông Thành, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư trên địa bàn khá cao và không đơn thuần ở độ tuổi cao tuổi nữa, hiện nay là ở độ tuổi trung niên và thanh niên mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Để xác định nguyên nhân cần phụ thuộc vào đánh giá của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng tác nhân chính là từ bụi của các cơ sở sản xuất xi măng, đặc biệt cơ bản hệ thống nước máy đang cung cấp cho các hộ dân sử dụng tầng nước mặt của sông Đáy đang chịu tác động của ô nhiễm.
Theo thống kê trạm y tế thị trấn, năm vừa qua số bệnh nhân mắc bệnh trên địa bàn là 101 ca liên quan đến bệnh về đường hô hấp và ung thư.
“Mới đây Trung tâm y tế tỉnh về khám kiểm tra sức khỏe cho 23 cán bộ UBND thị trấn Kiện Khê thì tất cả các trường hợp này đều bị nhiễm độc chì và asen tỷ lệ cao. Nguyên nhân có thể khẳng định là do nguồn nước quá ô nhiễm”, ông Thành cho biết.
Trong các kỳ tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, người dân và UBND thị trấn đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan cấp trên nhưng chuyển biến vẫn chưa mạnh.
Theo ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hà Nam, để bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết ngay các tồn tại, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và đề nghị nhân dân Tây Đáy giám sát việc giải quyết các tồn tại trên. Hiện, Sở TN- MT đã xây dựng Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực Tây Đáy, địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng. Theo đó, đề xuất các giải pháp: Các nhà máy xi măng phải lắp đặt hệ thống xử lý bụi, hệ thống quan trắc tự động theo dõi mức độ xả thải. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện đúng phương án nổ mìn, lượng vật liệu chất nổ được sử dụng trong mỗi lần nổ.
Cùng đó, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách pháp luật của một số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Hàng loạt các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Trường Sơn, Công ty TNHH Xuân Trường… vi phạm mốc giới được phép khai thác tại điểm cấp mỏ đã bị lập biên bản xử phạt.
Liên ngành tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, xúc bốc, vận chuyển đúng quy trình; Kiên quyết xử lý xe quá khổ quá tải vi phạm. Năm 2016, lực lượng chức năng đã xử phạt 1,6 tỷ đồng đối với các vi phạm không đảm bảo môi trường, không thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường, khai thác vượt độ cao, vượt quá mốc giới được cấp phép.