BVR&MT – Trong số các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị trên cả nước thì khí thải từ hoạt động giao thông vận tải đứng “đầu bảng”…
Ô nhiễm từ khí thải giao thông đô thị “đóng góp” nhiều nhất?
Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016, chủ đề “Môi trường đô thị” do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức tại Hà Nội, trong các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị được chỉ ra trong báo cáo này chủ yếu gồm hoạt động giao thông vận tải, hoạt động xây dựng, hoạt động của các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải và các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào được xem là những nguyên nhân chính khiến môi trường không khí tại các khu đô thị ngày càng trở nên nhức nhối.
Trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị thì khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm vị trí hàng đầu. Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất.
Lý giải căn nguyên của vấn đề trên, theo các chuyên gia thì các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu, quá trình rò rỉ, bốc hơi và đốt cháy nhiên liệu còn dẫn tới phát sinh nhiều loại khí độc như: VOC, Benzen, Toluen…
Sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ được chỉ ra phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phương tiện, nhiên liệu, tốc độ, người lái, tắc nghẽn và đường xá…
Xe ô tô, xe máy ở Việt Nam bao gồm nhiều chủng loại, có nhiều xe qua nhiều năm sử dụng và không thường xuyên bảo dưỡng, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. Xe máy hiện vẫn là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt đối với các khí thải như CO và VOC. Trong khi đó, các loại xe tải và xe khách lại thải nhiều khí NO2, SO2.
Quá trình cháy không hết nhiên liệu cũng thải ra bụi cacbon. Nguồn bụi này thường tồn đọng trên đường, hoặc bám theo xe và thường cuốn theo lốp xe khi xe chạy cũng được xem là tác nhân từ khí thải từ hoạt động giao thông.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm được chỉ ra là do các tuyến đường chật hẹp, xuống cấp, thiếu quy hoạch đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, cùng với ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao gây hiện tượng ùn tắc giao thông cũng là yếu tố đáng kể làm nghiêm trọng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, bụi đất đá, cát tồn đọng trên đường do chất lượng đường kém, do đường bẩn và do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chuyên chở rác, khi các phương tiện giao thông chạy qua bụi từ mặt đường bốc lên cũng là một nguồn gây ô nhiễm không khí.
“Nóng” với khí thải công nghiệp, dân sinh
Ngoài nguyên nhân là do hoạt động giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, các chuyên gia cũng chỉ ra thêm một số nguyên nhân chính khác như hoạt động công nghiệp trong nội đô, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh và xử lý rác thải.
Đối với nguyên nhân phát thải trong hoạt động công nghiệp trong nội đô tại các đô thị, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 chủ đề môi trường đô thị cho hay, hiện nay tại các đô thị còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp.
“Các doanh nghiệp này thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ có công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Một số cơ sở sản xuất có thiết bị lọc bụi, hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại, không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Các cơ sở này phân bố phân tán, do quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, phạm vi thành phố ngày càng mở rộng nên hiện nay, phần lớn công nghiệp cũ này nằm trong nội thành của nhiều thành phố” – báo cáo nêu.
Việc thiếu kiểm soát trong quản lý hoạt động tại các công trường xây dựng đang hoạt động trên cả nước (xây dựng, sửa chữa nhà cửa, đường xá, vận chuyển nguyên vật liệu) cũng được báo cáo nêu là một trong những nguyên nhân chính đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Các hoạt động dân sinh như đốt các nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu hỏa và khí đốt), củi,… hay đốt các chất thải không có kiểm soát cũng góp phần làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng là theo các chuyên gia thì thời gian gần đây nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động dân sinh tại các khu đô thị đã giảm mạnh do điều kiện sống được cải thiện và sự thay đổi thói quen sinh hoạt, như dùng bếp khí gas, bếp sử dụng điện thay cho bếp than, củi.
Riêng đối với nguồn gây ô nhiễm từ các bãi rác thải, các chuyên gia cho rằng tại nhiều khu chôn lấp, đặc biệt là các bãi rác lộ thiên đã và đang diễn ra hoạt động đốt rác thải tùy tiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại những thời điểm nhất định. Đó là chưa kể tới tình trạng nông dân đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng vào khoảng cuối tháng 5 và cuối tháng 10 sau vụ thu hoạch lúa đã gây ra hiện tượng khói mù và ảnh hưởng tới các đô thị lân cận.
Hải Minh