BVR&MT – Ô nhiễm không khí vẫn đang duy trì ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới.
Các số liệu vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy có 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí ô nhiễm; khoảng 7 triệu người chết mỗi năm do tiếp xúc với các hạt mịn có trong không khí ở trong nhà và ngoài trời; hơn 3 tỷ người, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em đang hít phải khói độc chết người do sử dụng bếp và nhiên liệu ô nhiễm mỗi ngày trong chính ngôi nhà của mình.
Riêng năm 2016, có gần 4,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí xung quanh và 3,8 triệu người chết do hít phải khói độc khi sử dụng bếp và nhiên liệu gây ô nhiễm. Số lượng tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thuộc khu vực châu Á, châu Phi, Đông Địa Trung Hải và châu Mỹ. Hãy cùng nhìn lại những con số đầy ám ảnh này qua một số infographic dưới đây.
Cũng theo thông tin từ WHO, hiện có hơn 4.300 thành phố ở 108 quốc gia được đưa vào cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí của tổ chức này. Cơ sở dữ liệu thu thập nồng độ trung bình hàng năm của các hạt mịn (PM10 và PM2.5), trong đó PM2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như: sulfate, nitrat và carbon đen vốn gây ra những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe con người. WHO khuyến cáo các nước cần giảm chỉ số ô nhiễm không khí trung bình hàng năm xuống còn 20 μg/m3 đối với PM10 và 10 μg/m3 đối với PM25. Điều đáng mừng là một số quốc gia đã có những hành động tích cực để giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm không khí, chẳng hạn tại Ấn Độ, Dự án Pradhan Mantri Ujjwala Yojana đã hỗ trợ khoảng 37 triệu phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong gia đình; thành phố Mexico cũng cam kết ban hành tiêu chuẩn xe sạch hơn bao gồm việc chuyển sang xe buýt không có muội than và cấm sử dụng xe diesel cá nhân vào năm 2025. |
Phạm Huyền