BVR&MT – Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học tại Đại học Plymouth (Anh) đã xem xét tác động của ánh sáng nhân tạo bắt nguồn từ các thành phố ven biển đến những loài sinh vật sống dưới đáy biển gần đó.
Kết quả cho thấy, 3/4 diện tích đáy biển gần các thành phố lớn đang tiếp xúc với mức độ ô nhiễm ánh sáng gây hại. Trong đó, nghiêm trọng nhất là ánh sáng có bước sóng màu xanh lá cây và xanh lam.
Đây là điều đáng lo ngại đối với sinh vật ven biển bởi vì nhiều loài dựa vào các tín hiệu tự nhiên như ánh sáng Mặt trăng để định hướng vào ban đêm và tiến hành quá trình trao đổi chất.
Nhóm nghiên cứu cho biết, ánh sáng màu xanh lục, xanh lam và đỏ thường được trộn lẫn với nhau để tạo ra đèn LED màu trắng. Người ta dùng nguồn ánh sáng nhân tạo này để chiếu sáng đường phố hoặc các tòa nhà.
“Khoảng 75% siêu đô thị trên thế giới đang nằm tại các vùng ven biển và dân số ở đây dự kiến tăng lên gấp đôi vào năm 2060. Do đó, tình trạng ô nhiễm ánh sáng sẽ ngày càng nghiêm trọng, khiến các sinh vật biển gặp nguy hiểm”, ông Thomas Davies, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định.
Trước đó, một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết ô nhiễm ánh sáng có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp với chu kỳ sáng – tối tự nhiên, do đó ánh sáng nhân tạo, được dùng để chiếu sáng ban đêm, cũng là nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn hệ sinh thái.
Ô nhiễm ánh sáng (light pollution) là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái.