BVR&MT – Triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tháng 8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu là hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…
Năm 2022 là năm thứ hai ngành thủy sản thực hiện chương trình này, nhìn vào những kết quả thu được có thể khẳng định chủ trương này đang đi đúng hướng và hứa hẹn nhiều thành tựu…
Bên cạnh mục tiêu tổng thể nói trên, Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 còn đề ra nhiều mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt bình quân hơn 4,5%/năm. Đặc biệt, trong 8 năm tới, chúng ta sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho hơn 50 vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất giống tập trung…
Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 còn đề ra nhiều mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt bình quân hơn 4,5%/năm. Đặc biệt, trong 8 năm tới, chúng ta sẽ đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho hơn 50 vùng nuôi trồng thủy sản và vùng sản xuất giống tập trung… |
Thiên thời, địa lợi…
Soi chiếu trên thực tế có thể thấy rằng, cả về yếu tố khách quan và chủ quan, ngành thủy sản Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát triển đề ra. Trước hết, dư địa phát triển nuôi trồng thủy sản còn rất lớn. Nước ta có các hệ thống sông ngòi dày đặc, rất nhiều hồ nước sâu, đầm phá nhưng đa số hồ chứa nước chưa được khai thác tiềm năng, lợi thế.
Các đối tượng thủy sản nuôi trồng cũng rất đa dạng, gồm cá tra, nuôi biển và các loài nhuyễn thể hai mảnh… Chúng ta đã có các nhà máy hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao để khai thác toàn bộ tiềm năng của các vùng nuôi, của các đối tượng nuôi để đạt được mục tiêu…
Tại Hội nghị triển khai Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào cuối tháng 12/2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ta không ngừng phát triển, tạo được nhiều dấu ấn và có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được chuỗi giá trị cá tra, đến nay đã phát huy hiệu quả và đặt mục tiêu đến năm 2030, chúng ta chủ động sản xuất, cung ứng được hơn 70% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; đồng thời, cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đồng thời phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản cũng là một trọng tâm lớn cần tập trung triển khai.
Được biết, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã xác định 9 nhóm dự án với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng về phát triển nuôi trồng thủy sản và 19 dự án/nhóm dự án đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản ưu tiên với tổng kinh phí 6.000 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (thay thế Nghị định số 67), theo đó cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản sẽ hướng tới: ngân sách Trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu thuộc vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển…; ngân sách địa phương thực hiện đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh) không thuộc đối tượng được ngân sách Trung ương đầu tư, hỗ trợ đầu tư và đáp ứng quy định của Nghị định này…
Về kim ngạch xuất khẩu, với con tôm, Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD vào năm 2025 và 6,2 tỷ USD năm 2030; cá tra đạt 2 tỷ USD vào năm 2025 và 3 tỷ USD năm 2030. Ngoài ra, hai nhóm mới là nuôi biển hướng tới đạt 900 triệu USD vào năm 2025 và 2 tỷ USD năm 2030. Những con số này cũng đã được tính toán và cân nhắc rất kỹ từ các yếu tố thị trường, khả năng phát triển.
Bệ phóng vững chắc cho phát triển nuôi biển giai đoạn 2021-2030 là chúng ta đã xây dựng được một hành lang pháp lý đầy đủ. Đó là có một khung quy định hết sức hoàn chỉnh, nhất là Luật Chăn nuôi, cùng với đó là Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm; Đề án nuôi biển và mới đây là Quyết định 985 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 cùng một loạt đề án khác để hỗ trợ cho chương trình phát triển này.
Khởi đầu ấn tượng
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và bước đầu thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 không phải không có những băn khoăn về những vướng mắc có thể phát sinh. Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam đã nêu một số băn khoăn và kiến nghị Cục Thủy sản cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về con giống, chúng ta tập trung vào hai đối tượng chính là cá tra và tôm. Cá tra bố mẹ ngoài tự nhiên và cá tra tại các trại giống đang bị thoái hóa dần, từ đó dẫn đến hiện tượng cá ăn nhiều nhưng lớn chậm, nhiều bệnh và tỷ lệ chết cao. Còn tôm giống thì tôm sú gần như phải dựa vào tự nhiên và nhập khẩu; tôm thẻ chân trắng chúng ta mới chủ động được 50%.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đánh giá và chứng nhận thực hành sản xuất tốt nuôi trồng thủy sản VietGAP theo quy chuẩn, làm thực chất chứ không phải hình thức. Còn có tình trạng người dân mua phải thức ăn thủy sản không bảo đảm chất lượng, chế phẩm sinh học mang về dùng không hiệu quả, do đó cần phải siết chặt quản lý vật tư đầu vào nuôi trồng thủy sản.
Hay một trăn trở khác mà TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phân tích, cũng cần được chú ý và có hướng điều chỉnh cho phù hợp hơn là: Khác với nuôi trồng thủy sản ở ao hồ, phát triển nuôi biển yêu cầu phải chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá thương mại. Bởi vậy nó gắn với việc giao khu vực biển, các địa phương cần các hướng dẫn cụ thể, minh bạch về các tiêu chuẩn, quy chuẩn để triển khai thực hiện mới không gặp những vướng mắc phát sinh…
Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 rõ ràng là một bước chuyển quan trọng để phát triển từ nghề cá sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, bền vững và là xu thế không thể khác khi Việt Nam đang hướng tới là một trong những trung tâm sản xuất và chế biến thủy sản hàng đầu của khu vực và quốc tế.
Vượt qua những thách thức lớn nhỏ, năm 2022 là năm thứ hai ngành thủy sản Việt Nam thực hiện chương trình này với nhiều tín hiệu tích cực, khi tất cả chỉ tiêu đều đạt vượt mức đề ra, nổi bật là giá trị xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong lịch sử – cán mốc gần 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, đến nay diện tích nuôi biển đạt khoảng 9 triệu m³ lồng, sản lượng nuôi trồng đạt tới 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021 và cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay… ■
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã xây dựng được chuỗi giá trị cá tra, đến nay đã phát huy hiệu quả và đặt mục tiêu đến năm 2030, chúng ta chủ động sản xuất, cung ứng được hơn 70% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; đồng thời, cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. |