BVR&MT – Tính đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành xong việc di dời, cưỡng chế giải tỏa, sắp xếp lại các bè nuôi trồng thủy sản, đăng đáy, chòi tạm… ngoài vùng quy hoạch theo kế hoạch đề ra. Việc di dời, sắp xếp lại các bè nuôi trồng thủy sản đã giúp các hộ nuôi ổn định, phát triển bền vững với nghề.
Theo báo cáo từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay các địa phương như: Thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, thị xã Phú Mỹ đã hoàn thành xong việc di dời, giải tỏa, sắp xếp lại các bè nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch, với 273 cơ sở nuôi. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương có số cơ sở nuôi phải di dời, giải tỏa và sắp xếp lại nhiều nhất, với 125 cơ sở. Ngay sau khi việc giải tỏa, di dời, sắp xếp lại các cơ sở nuôi hoàn thành, các hộ nuôi đã thấy yên tâm hơn chỗ nuôi mới được sắp xếp, giúp họ ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Anh Nguyễn Ngọc Thảo, Tiểu khu 8 sông Chà Và, thôn 9, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây gia đình anh nuôi thủy sản lồng bè tại khu vực sông Rạch Tranh thuộc địa phận thị xã Phú Mỹ. Tuy nhiên, khu vực sông Rạch Tranh không có quy hoạch vùng nuôi thủy sản, nên thời điểm đó anh nuôi rất ít chỉ khoảng 2 lồng nuôi. Sau khi được sự vận động của các cấp chính quyền địa phương gia đình anh chuyển vào nuôi trong vùng quy hoạch trên sông Chà Và, xã Long Sơn.
Nhận thấy vùng nuôi ổn định nên gia đình anh quyết định đầu tư mở rộng quy mô với 28 lồng nuôi các loại cá, với các loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá chim trắng, cá tai bồ, cá mú, cá chẽm; 46 lồng nuôi hàu Thái Bình Dương. Mỗi năm gia đình anh Thảo thu khoảng 13 tấn cá và 38 tấn hàu, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng/năm. Anh Thảo chia sẻ, sau khi vào vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh, cuộc sống của gia đình anh ổn định hơn, quy mô cũng được mở rộng, nhờ đó kinh tế gia đình anh đã khấm khá hơn trước đây.
“Vào vùng quy hoạch nuôi, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng rất quan tâm đến cuộc sống của người nuôi lồng bè chúng tôi, định kỳ sẽ có tin nhắn báo đến khi có sự thay đổi của các hàm lượng trong nước để cảnh báo cho người nuôi, chúng tôi cũng đang được làm hồ sơ để cấp mã vùng nuôi…”, anh Thảo phấn khởi cho biết thêm.
Gia đình anh Trần Văn Dũng, Tiểu khu 2, sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cũng cho biết, anh nuôi hàu Thái Bình Dương và hàu đá được 3 năm nay, tuy nhiên gia đình anh mới chuyển về vùng nuôi tại tiểu khu 2, sông Chà Và cách đây 4 tháng.
Trước đây gia đình anh nuôi hàu tại khu vực Bến Đá, thành phố Vũng Tàu nhưng do đây là khu vực ngoài vùng quy hoạch nuôi của tỉnh nên sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình anh Dũng đã tiên phong tự di dời cơ sở để vào trong vùng quy hoạch. Khi tiên phong di dời gia đình anh Dũng đã được UBND xã Long Sơn bố trí cho 1 vị trí nuôi tại tiểu khu 2, với quy mô nuôi được khoảng 7.000 rổ hàu Thái Bình Dương. Đến vùng nuôi mới, với vùng nuôi ổn định, không bị ô nhiễm môi trường nên hàu lớn rất nhanh.
Đến nay, hàu đã cho thu hoạch với khoảng 10 tấn/vụ (1 năm 2 vụ), sau khi trừ chi phí gia đình anh còn lời hơn 100 triệu đồng/vụ. Gia đình anh Dũng cũng rất vui mừng vì mặc dù mới chuyển đến vùng nuôi mới nhưng anh cũng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho làm hồ sơ để cấp mã vùng nuôi, ổn định sản xuất.
Việc di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép, nằm ngoài vùng quy hoạch đã giúp các tàu, thuyền thuận tiện cho việc lưu thông vào các bến cảng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè trên địa bàn tỉnh lần này nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe của vật nuôi thủy sản, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, cũng như kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
Ngay sau khi hoàn thành công tác giải tỏa, di dời các cơ sở nuôi vào vùng quy hoạch, Chi cục Thủy sản tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân không tái lấn chiếm vùng nuôi ngoài quy hoạch. Kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sớm ban hành quy chế phối hợp quản lý mặt nước trên các sông thuộc địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra trên các tuyến luồng hàng hải, luồng thủy nội địa nhằm kịp thời phát hiện các lồng bè nuôi trồng thủy sản tái chiếm ngoài vùng quy hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, nhiều năm qua việc nuôi trồng thủy sản lồng bè đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao nên việc ồ ạt phát triển các cơ sở lồng bè gây cản trở giao thông đường thủy, gây ô nhiễm môi trường cục bộ… Việc sắp xếp lại cơ sở nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển thủy sản của tỉnh theo chất lượng, có giá trị kinh tế với các vùng nuôi tập trung có cấp mã số.