BVR&MT – Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, hiện các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 96 nghìn hộ dân, tương đương 430 nghìn người thiếu nước sinh hoạt.
Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân nơi đây là yêu cầu cấp bách, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) hiện có khoảng 18 triệu dân, trong đó có 13 triệu người sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, đến nay đã có 98% số người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, 55% số người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó khoảng tám triệu người (chiếm 61%) được sử dụng nước từ 3.853 công trình cấp nước tập trung; năm triệu người sử dụng nước quy mô hộ gia đình.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước sinh hoạt năm 2019 – 2020 tại các tỉnh ÐBSCL. Thực tế cho thấy, trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu không đủ nguồn cấp, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Mặt khác, các hộ dân sống ở khu vực xa công trình cấp nước tập trung nông thôn, cho nên khó thực hiện mở rộng đường ống cấp nước, như ở các tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre. Nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm từ giếng khoan tầng nông của hộ gia đình bị suy giảm, cạn kiệt không đủ khai thác sử dụng. Bên cạnh đó thiếu dụng cụ trữ nước hộ gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sinh hoạt nơi đây.
Xác định tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch nông thôn trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất, dân sinh năm 2019 – 2020; Quyết định số 504/QÐ-TTg ngày 10-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí, phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ÐBSCL; theo đó, hỗ trợ các tỉnh: Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang mỗi tỉnh 70 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu mỗi tỉnh 60 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp cấp bách.
Triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nguồn hỗ trợ từ T.Ư, các địa phương trong vùng đã chở nước miễn phí, cấp nước cho khoảng 20.600 hộ dân; hỗ trợ 37.300 hộ dân lắp đặt bồn trữ nước; mở rộng kéo dài tuyến ống, khoan bổ sung giếng ngầm, đắp đập tạm cấp nước cho khoảng 22.300 hộ; lắp đặt thiết bị lọc nước để cung cấp nước cho khoảng 4.000 hộ. Mặt khác, các địa phương cũng chủ động cung cấp và hỗ trợ khoảng 15 nghìn bồn trữ nước cho người dân, ưu tiên gia đình chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt hơn, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh ÐBSCL năm sau sẽ còn cao hơn năm trước. Vì vậy, thời gian tới, để bảo đảm đủ nguồn nước sạch phục vụ người dân, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia, cam kết của gia đình, cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình để bảo vệ sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đầu tư 11 hệ thống công trình thủy lợi tại ÐBSCL. Ðến nay, đã có năm công trình đưa vào sử dụng, các công trình còn lại đang được đầu tư và đẩy mạnh triển khai. Ðặc biệt là hệ thống Cái Lớn – Cái Bé điều tiết mặn, ngọt cho toàn bộ tỉnh Hậu Giang và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi liên vùng, liên tỉnh để điều tiết nguồn nước khu vực ÐBSCL. Bộ thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.