BVR&M – Tại huyện miền núi Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, những năm gần đây, dự án trồng cây sachi và cây gai lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con DTTS. Nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Thành quả đó có công của nữ kỹ sư nông nghiệp trẻ Trịnh Thị Thanh Hoà, dân tộc Tày, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc.
Tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm hộ dân
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp và bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ ngành Nông nghiệp, Trịnh Thị Thanh Hòa quay về công tác tại quê hương. Trở thành cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, là điều kiện thuận lợi để Hòa thường xuyên có mặt ở các xã để khảo sát, tham mưu cho huyện, xã định hướng cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao mức sống.
Năm 2016, cô kỹ sư trẻ nhận thấy, sachi là loại cây có giá trị kinh tế cao, do có nhiều công dụng; có thể tận dụng hầu hết các bộ phận của cây để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và cả dược phẩm. Đặc biệt, loại cây này chỉ đầu tư trồng 1 lần, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên Hòa mạnh dạn xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây sachi trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Đề án được thông qua, Hòa đi đến từng xóm, xã vận động người dân và kết nối với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Tháng 7/2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, mà Hòa tham gia với tư cách là thành viên Ban quản trị, đã đưa cây sachi về trồng thử nghiệm tại 6 xã của huyện.
Để có thêm kinh nghiệm trồng sachi, Hòa lặn lội vào Tây Nguyên để học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sachi và trực tiếp truyền đạt, tỉ mỉ lại cho người dân.
Chị Thanh Hòa chia sẻ: Đây là cây trồng ngắn ngày, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên là 8 tháng, nên bà con quay vòng vốn rất nhanh. Với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết (phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX), dự án đặt ra mục tiêu: trồng và cung cấp các sản phẩm từ cây sachi, đáp ứng một phần nhu cầu của cả nước và xuất khẩu đi các nước trên thế giới; tận dụng đất đồi hoang hóa chuyển đổi trồng cây sachi có giá trị kinh tế cao, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, rửa trôi đất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, dự án đặt mục tiêu, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng; giải quyết việc làm cho từ 400 – 500 lao động nông nhàn (nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số tại địa phương)…
Với quyết tâm của HTX và chị Hòa, từ 15ha trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, HTX đã liên kết với các hộ nông dân của huyện và một số địa bàn khác trong tỉnh, mở rộng diện tích trồng cây sachi lên gần 200 ha, để cơ bản ổn định vùng nguyên liệu. Bình quân mỗi 1ha là 3 hộ dân tham gia. Với diện tích như hiện nay, đã tạo nguồn sinh kế bền vững cho khoảng 280 hộ dân.
Đến nay, dự án trồng cây sachi của cô kỹ sư trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa đã đem về nhiều mùa quả ngọt. Ngay trong năm đầu tiên trồng thử nghiệm (năm 2018), doanh thu dự án đạt 1,3 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, đạt từ 2,5 tỷ đồng-4 tỷ đồng nhờ vào việc ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số tập đoàn, công ty, đơn vị như: Hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm thô của cây sacha inchi với Tập đoàn Tâm Hoàng Việt (thời hạn hợp đồng dài hạn lên đến 20 năm); ký bản cam kết ghi nhớ hợp tác về việc hỗ trợ thương mại hóa công nghệ giữa HTX với Công ty DHC Agrio tại Busan – Hàn Quốc…
Ngoài ra, từ năm 2020, HTX đã hướng tới sản xuất các sản phẩm chủ lực như, dầu omega 3, hạt rang sấy, một số sản phẩm khác như trà sachi, bột protein, rau sachi an toàn làm gia tăng giá trị sản phẩm và được khách hàng đón nhận tích cực…
Ông Hà Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành nhận định, nhờ dự án trồng cây sachi của chị Hoà mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã được hưởng lợi, có sinh kế ổn định.
Thành quả của sự nỗ lực
Không dừng lại ở cây sachi, quá trình công tác, trăn trở với lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, Hòa còn tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để xây dựng đề án trồng cây gai lai ở các xã vùng cao.
Cô kỹ sư người Tày thông tin, cây gai lai có chi phí đầu tư thấp, ban đầu chỉ khoảng từ 25 – 30 triệu đồng/ha. Một năm thu hoạch 4 – 5 lứa, trồng một lần thu hoạch hơn 10 năm. Bình quân đạt 100 – 120 triệu/ha. Thời gian hoàn vốn nhanh chỉ trong khoảng 1 năm.
Trong năm 2021, HTX đã vận động các hộ dân trồng được trên 20ha cây gai lai và cho thu hoạch 2 vụ. Dự kiến, đến tháng 4/2022 phấn đấu trồng mới xong 50ha cây gai lai tại xã Trung Thành theo hình thức liên kết chuỗi giá trị từ nông dân – HTX – nhà máy sợi. Đặc biệt, dù dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng đã ký hợp đồng đầu ra với các nhà máy, công ty dệt sợi như Nhà máy dệt sợi Vinatex Nam Định, Công ty cổ phần dệt kim Vinatex-Hanoisimex (Hưng Yên)…
Kỹ sư Hoà tính toán, bên cạnh sản phẩm sợi gai khô, các phụ phẩm sau thu hoạch của cây gai được ủ phân vi sinh hữu cơ, bón trở lại cho cây trồng thành chuỗi tuần hoàn, một phần ủ chua làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc và thủy sản trong vùng. Còn một phần lá được bán cho các cơ sở làm bánh gai trong và ngoài tỉnh. Hết vòng sinh trưởng, phần củ gai được khai thác cung cấp cho các cơ sở sản xuất dược liệu.
Hiện nay, cây gai lai trồng tại xã Trung Thành đang tạo cơ hội việc làm cho khoảng 120-150 người dân trong xã, phần nhiều là phụ nữ DTTS. Dự kiến khi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định 100ha thì đối tượng là phụ nữ được nâng cao năng lực khoảng 300 người.
Dự án mới này, đã giúp Hoà đạt giải Vàng cuộc thi “Thách thức kinh doanh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho thanh niên DTTS, có sáng kiến khởi nghiệp và kinh doanh đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương do Liên minh châu Âu và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam tài trợ; thực hiện bởi tổ chức Aide et Action, Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc cùng Hội Liên hiệp Thanh niên 2 tỉnh Hòa Bình và Lào Cai.
Năm 2021, Trịnh Thị Thanh Hòa vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn. Đây là sự ghi nhận, tiếp lửa cho nữ kỹ sư trẻ dân tộc Tày tự tin ra biển lớn, nối dài thêm hành trình tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS miền núi.