BVR&MT – Với huyện miền núi như Hương Sơn xây dựng nông thôn mới bền vững là cả một quá trình. Mục tiêu nông thôn mới đặt ra ban đầu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân…
Với phương châm “Nông thôn mới – người dân phải được ấm no”, từ 1 huyện biên giới với 32% hộ nghèo, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đáng nói là, số hộ nghèo chỉ còn 2,8%, phần lớn người dân đã làm chủ cuộc sống trên chính quê hương mình.
Từ một khu vườn tạp, không có giá trị kinh tế, gia đình ông Nguyễn Văn Phượng, ở thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm đã được địa phương chọn xây dựng khu vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Với số tiền hỗ trợ hơn 12 triệu đồng từ nhà nước, cùng việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, ông Phượng đã tập trung cải tạo thành khu vườn hoa, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
“Làm vườn mẫu thì khi đầu hoang hoá nhưng dọn dẹp, mua giống về trồng thì nói chung về chủ trương là được cho người dân, tập thể hỗ trợ nói chung vườn nhà giờ đẹp, vườn rau 2 vợ chồng làm thì người dân trong làng được hưởng thụ, giàn mướp mỗi năm mấy tạ, nổi tiếng đó”, ông Phượng nói.
Để phát huy hiệu quả kinh tế vườn theo chuẩn nông thôn mới, ngoài việc hỗ trợ về giống, người dân ở Hương Sơn còn được tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Dựa trên nền tảng đã có sẵn, các khu vườn sẽ được thiết kế, quy hoạch theo quy trình một cách khoa học, theo hướng người dân làm chủ. Đối với vùng đồi, sẽ được áp dụng phát triển cây có múi; đối với vùng đồng bằng, thấp trũng, trồng các loại cây như, táo, ổi, mít Thái…
Với cách làm đó, đến nay hàng trăm vườn và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn, đều cho giá trị kinh tế cao và góp phần không nhỏ vào diện mạo nông thôn mới của huyện.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Sơn Lĩnh khẳng định: “Xác định nông thôn mới phải có bàn bạc để người dân vào cuộc. Từ một đơn vị nghèo, khó khăn thuần tuý như vậy nhưng chúng tôi huy động được người dân vào cuộc, làm công ích tập thể rất tích cực. Mặc dù đơn vị hoàn thành nông thôn mới năm 2019, nhưng chúng tôi vẫn duy trì tất cả phong trào. Đặc biệt tập trung theo hướng sản xuất cây chè cho nhân dân có hướng phát triển bền vững, vì xác định nông thôn mới nâng cao không chỉ về tinh thần mà kinh tế nhân dân phải ấm phải no”.
Khi đã tạo ra được sản phẩm, với 05 loại chủ lực (Cam, Chè, Gỗ nguyên liệu, Hươu, Lợn), huyện Hương Sơn đã tập trung chỉ đạo ứng dụng khoa học kỹ thuật, giống mới. Thành lập Tổ hợp tác để tạo khối lượng hàng hóa lớn, từng bước liên kết sản xuất với tiêu thụ, kích cầu đầu ra cho sản phẩm. Đáng nói là, chính người nông dân là những thành viên hợp tác xã, điều này là động lực giúp người dân hăng hái tham gia sản xuất và cho thu nhập cao.
Bà Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nhung Hươu – Mật ong Hương Lâm cho biết, nhờ có sự hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới mà sản phẩm nhung hươu có bước phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và tăng thu nhập.
“Đi lên từ nông thôn mới. Lần đầu năm 2012 được huyện hỗ trợ 200 triệu xây dựng nuôi mới 50 con hươu, từ đó chúng tôi thành lập hợp tác xã và nuôi đến nay có trên 200 con, hợp tác xã có 10 cơ sở và tiêu bao sản phẩm nhung hưu tươi. Mục đích của Hà Tĩnh là giúp bà con nông dân phát triển bền vững, nâng cao đời sống, ấm no hạnh phúc”, bà Hương cho biết.
Đến nay toàn huyện Hương Sơn có 33 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tăng doanh số từ 1,5-2 lần so với ban đầu, thị trường tiêu thụ mở rộng trong và ngoài tỉnh, quy trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đáng nói là, những sản phẩm này do chính người dân làm ra trên chính mảnh đất quê hương mình và họ có trách nhiệm với thương hiệu và hượng thụ thành quả của sản phẩm đó.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, với huyện miền núi như Hương Sơn xây dựng nông thôn mới bền vững là cả một quá trình. Mục tiêu nông thôn mới đặt ra ban đầu là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nhân dân.
“Đến thời điểm này nhân dân rất đồng tình, bên cạnh tinh thần thì sau 10 năm thực hiện đời sống nhân dân trong quá trình thực hiện thu nhập đã được nâng lên đáng kể. trong quá trình xây dựng khu dân cư nhà mẫu, vườn mẫu, rồi tiêu chí môi trường được tập trung quyết liệt nên rất là tốt”, ông Hưng cho biết.
Những huyện miền núi như Hương Sơn hoàn thành mục tiêu chương trình nông thôn mới không nhiều, và ngay cách làm của huyện cũng được đánh giá cao. Việc phát huy sức mạnh trong nhân dân, người dân làm chủ và thụ hưởng từ các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới, đó là bước đi bền vững./.