BVR&MT – Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp 3,05%, lĩnh vực trồng trọt phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 2%, chăn nuôi phải 3%, thủy sản 5%, lâm nghiệp 6,6%.
Trước tình hình tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp hơn cùng kỳ, Chính phủ đã yêu cầu quyết liệt triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%, trong đó khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 33 tỷ USD.
Có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao
Tại cuộc họp giao ban tháng 5/2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm của ngành và tin tưởng nếu giữ được như 5 tháng đầu năm thì ngành có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tuy vậy, Thứ trưởng cũng nhận định, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước những rủi ro tiềm ẩn như mùa mưa bão đang đến; tình trạng “được mùa, mất giá”…
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực; hoàn thiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chủ động thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 3,05% theo phương án Bộ giao cho các đơn vị, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực trồng trọt phải đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 2%, chăn nuôi phải 3%, thủy sản 5%, lâm nghiệp 6,6%.
Hiện nay thủy sản đang là lĩnh vực được trông đợi nhiều nhất đóng góp tăng trưởng của toàn ngành. Để đạt mức tăng 5%, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý Tổng cục Thủy sản kiểm soát kỹ giống và chủ động xử lý dịch bệnh; phối hợp cùng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tập trung giải quyết những vướng mắc thị trường cho thủy sản, đặc biệt là đối với cá da trơn.
Đối với lĩnh vực trồng trọt – bảo vệ thực vật, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đánh giá toàn diện theo chuỗi đối với 5 cây công nghiệp chủ lực, đồng thời tập trung theo dõi, chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch lúa Đông Xuân và gieo cấy lúa Hè Thu tại các tỉnh phía Bắc; thu hoạch lúa Hè Thu sớm và gieo cấy lúa Hè Thu chính vụ tại các tỉnh phía Nam; tăng cường thâm canh các cây công nghiệp, cây ăn quả có thị trường thuận lợi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, bảo đảm giữ vững năng suất, chất lượng cây trồng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi, Thú y bám sát tình hình sản xuất, cung – cầu về lợn cũng như các vật nuôi khác để có giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và ngoài nước, nhất là thúc đẩy tiêu thụ lợn, gia cầm.
Giá thịt lợn đang có xu hướng tăng lên
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn.
Theo Cục Chăn nuôi, đến nay hiệu ứng từ các giải pháp tháo gỡ cho chăn nuôi lợn khá tốt; giá lợn xuất chuồng được nâng lên 25.000-26.000 đồng/kg và đang có xu hướng tăng lên.
Về gia cầm, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, giá vẫn ổn định, không có dấu hiệu giảm mạnh. Cụ thể, giá gà công nghiệp ở TPHCM chiều 29/5 vẫn là 26.000-27.000 đồng/kg; giá gà lông màu thả vườn ở Bắc Giang ở mức 58.000-62.000 đồng/kg; tại khu vực Hà Nội, giá gà thả vườn ở mức 90.000-100.000 đồng/kg gà lông, giá gà công nghiệp ở mức 29.000-30.000 đồng/kg… Đối với giá trứng, mặc dù có giảm trong vài tuần, nhưng dự báo có thể tăng lên từ tháng 6/2017 do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu.
Trồng rừng, nuôi tôm tăng cao
Nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích trồng rừng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, các địa phương tiếp tục gieo ươm, chăm sóc cây giống để phục vụ trồng cây phân tán và trồng rừng tập trung. Tính đến 20/5, đã chuẩn bị được gần 37,4 triệu cây giống; trồng rừng mới tập trung ước đạt 77.800 ha, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá: “Sản xuất tôm, cá tra tăng trưởng thuận lợi, đặc biệt là với tôm nước lợ. Giá 1 kg tôm thẻ chân trắng loại 100 con vào khoảng 100.000 đồng. Đây là dấu hiệu tốt cho ngành tôm phát triển”.
Tháng 5, sản lượng nuôi trồng ước đạt 370 nghìn tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước, đưa sản lượng 5 tháng đạt 1.235 nghìn tấn, tăng 2,4%.
Thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh hại gia tăng
Tuy nhiên, đánh giá về tình hình thời tiết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: “Không có năm nào Nam Bộ mưa lớn liên tục như những tháng đầu năm 2017 nên đã ảnh hưởng đến lúa Đông Xuân và Hè Thu. Mưa trái vụ cũng ảnh hướng lớn đến cây công nghiệp và cây ăn quả”.
Các đợt gió mùa đông bắc kèm mưa và độ ẩm cao vào đúng giai đoạn lúa trổ bông, khiến bệnh đạo ôn cổ bông bùng phát nhanh, đặc biệt tại Hà Tĩnh.
Tính đến 15/5, cả nước đã gieo cấy được 3.073.000 ha lúa Đông Xuân, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đối với cây màu, cả nước đã gieo trồng đạt khoảng 935.300 ha, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Cây công nghiệp ngắn ngày đạt 322.200 ha, giảm 5,8%. Diện tích rau, đậu các loại đạt 590.3 nghìn ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước…