BVR&MT – Những năm gần đây, huyện biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở ra nhiều hướng đi mới cho nông dân; trong đó, mô hình chăn nuôi dê thịt đang được một số nông dân ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự triển khai mang lại hiệu quả kinh tế.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Phước 2 Nguyễn Văn Điền cho biết, đàn dê của nông dân có gần 1.000 con với các giống: Saanen, bách thảo… Hội Nông dân xã phối hợp với ngành chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê cho nông dân. Đây là loài dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và chi phí đầu tư, tiêu thụ thuận lợi… Thường Phước 2 là xã nông nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng. Giờ đây, ngoài canh tác lúa, đầu tư chăn nuôi dê đã giúp các hộ phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2014, với số vốn gần 10 triệu đồng, ông Trương Văn Mứt (xã Thường Phước 2) chỉ đầu tư nuôi 2 con dê giống. Ông chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc kỹ, dê phát triển tốt và sinh sản. Trung bình mỗi năm, dê đẻ 2 lứa (từ 2 – 4 con/lứa), đàn dê ngày càng phát triển về số lượng. Năm 2021, ông Mứt bán bớt một số con dê thịt, thu về gần 100 triệu đồng. Hiện đàn dê của ông còn 60 con. Cùng với rau cỏ trong tự nhiên, ông còn trồng hơn 4.000 m2 cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho dê.
Theo ông Mứt, việc nuôi dê không vất vả, chi phí đầu tư thấp hơn so với nhiều vật nuôi khác. Dê là loài ăn tạp nên thức ăn dễ tìm như rau muống, lá mít, so đũa, chuối… Sau khoảng 7 tháng nuôi, dê đạt trọng lượng từ 30-40 kg/con được xuất bán với giá từ 115.000 – 140.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi trung bình hơn 1 triệu đồng/con, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân khu vực biên giới.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi dê, ông Nguyễn Văn Thuận (xã Phường Phước 2) đã chọn đầu tư vật nuôi này và gắn bó suốt 5 năm qua. Hiện đàn dê của ông Thuận có hơn 40 con, trị giá trên 150 triệu đồng. Theo ông Thuận, dê sinh sản nhanh, khả năng thu hồi vốn chỉ trong thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi chỉ cần làm đơn giản, vật dụng chủ yếu là gỗ tạp, mái lợp lá… Tuy nhiên, chuồng dê phải xây dựng cao ráo, cách 1 m so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Nếu thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì dê ít bị bệnh.
Khởi đầu là những hộ nuôi dê nhỏ lẻ, để có sự kết nối, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, Hội Nông dân xã Thường Phước 2 đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dê thương phẩm do ông Nguyễn Phước Hải làm Tổ trưởng. Ông Hải cho hay, tổ có 16 thành viên, tham gia tổ hợp tác, các thành viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dê. Do có sự liên kết, đảm bảo đủ số lượng dê thịt theo đơn đặt hàng của một thương lái ở thành phố Cần Thơ nên việc buôn bán thuận lợi với giá cả hợp lý, tránh tình trạng bị ép giá như trước đây.
Mô hình nuôi dê thịt ở xã Thường Phước 2 đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Nhờ tận dụng nguồn rau cỏ sẵn có trong tự nhiên để làm thức ăn cho dê nên giảm chi phí và tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi. Một số hộ nuôi dê rất mong được tiếp cận thêm các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi hơn nữa.