BVR&MT – Dù hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo được giống lúa chịu mặn, nhưng chỉ sản xuất ở diện tích rất nhỏ, nên để mưu sinh, chính người nông dân đã chủ động chuyển đổi sản xuất.
Bằng các nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đánh giá ngưỡng chịu mặn của cây lúa dưới 4 ‰. Tuy nhiên, với độ mặn từ 1‰ trở lên, cây lúa cũng đã khó sống sót và cho năng suất.
Dù hiện nay, các nhà khoa học đã lai tạo được giống lúa chịu mặn trong ngưỡng này, nhưng cũng chỉ tạm thời sản xuất ở diện tích rất nhỏ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Vì vậy, để có thể mưu sinh, có thu nhập trong thời điển hạn mặn, chính người nông dân đã chủ động chuyển đổi sản xuất.
Tăng diện tích hoa màu, cây ăn trái
Trong 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện chỉ còn Đồng Tháp, An Giang chưa bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi mặn, tác động mạnh đến sản xuất, nước sinh hoạt, Bến Tre đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre thì độ mặn tràn vào Bến Tre chỉ tăng chứ không giảm. Đến sáng ngày 26/3, độ mặn cao nhất tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre là 13,7‰, các xã, phường tại thành phố Bến Tre có độ mặn dao động từ 5,3‰ đến 6,1‰.
Với ngưỡng độ mặn này, hầu hết diện tích sản xuất lúa đều thiệt hại hoàn toàn nên người dân Bến Tre bằng kinh nghiệm quan sát con nước, dần chuyển đổi sang trồng dừa, bưởi da xanh, sầu riêng, vừa có giá trị cao hơn, vừa giúp ứng phó hạn hán gay gắt.
Theo ông Mai Anh Tài, xã Định Trung, huyện Bình Đại, 5 năm trước gia đình ông canh tác 8 công lúa (8.000m2), dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. Nhưng đợt hạn mặn năm 2016 đã khiến toàn bộ diện tích lúa thiệt hại hoàn toàn.
Rút kinh nghiệm từ đó, ông Tài chuyển đổi 8 công đất sang trồng dừa. Thu nhập từ trồng dừa khoảng 4 đến 5 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, thu nhập từ sản xuất lúa chỉ đạt 5 triệu đồng/vụ/năm.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 1.900 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Sự chủ động thích ứng với vùng đất nhiễm mặn từ cây dừa đã giúp nông dân từng bước vượt qua khó khăn trong điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt như hiện nay.
Cùng với Bến Tre, nhiều nông dân của tỉnh Vĩnh Long cũng đã linh hoạt tìm phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết. Với kinh nghiệm sản xuất của nông dân, đây không phải là sự chuyển đổi lâu dài, nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu mưu sinh, ứng phó với thời tiết hiện nay.
Theo ông Nguyễn Dương Huy Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nhằm ứng phó với thời tiết khắc nghiệt hiện nay, xã Hòa Lộc cũng đã triển khai những vùng đất trồng hoa màu như dưa hấu, ngô để ứng phó với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi này cũng được nông dân đồng tình thực hiện.
Anh Lê Tấn Phong, ở xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long có 1ha đất lúa giờ đã chuyển sang trồng ngô theo hướng dẫn của chính quyền địa phương chia sẻ, trồng ngô nếp cao sản trên đất lúa cho hiệu quả cao hơn trồng lúa.
Trước khi trồng, anh làm đất và tận dụng màng phủ của người trồng dưa hấu bỏ đi, qua đó giảm công tưới, chăm sóc giúp giảm chi phí vì tiết kiệm nước. Số lượng ngô nếp của gia đình được thương lái thu mua với giá bán 3.300 đồng/kg. Anh Phong thu lãi hơn 14 triệu đồng/ha, gấp đôi so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, các huyện Vũng Liêm, Măng Thít, Tam Bình, Trà Ôn là địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.
Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã vận động nông dân chuyển sang cây trồng khác như ngô, hoặc một số cây rau màu khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc triển khai này phải gắn liền với liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho nông sản chuyển đổi, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt mà thiếu sự liên kết thu mua.
Hơn nữa, để tạo điều kiện cho chuyển đổi, địa phương cũng đã xây dựng các giải pháp sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm. Sự chuyển đổi này thực hiện theo từng bước, có lộ trình, hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ
Trong thời kỳ hạn hán, nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất rất quan trọng. Hiện tại, cao điểm mùa khô đang diễn ra, nhiều địa phương tại khu vực phía Nam điêu đứng vì kênh mương cạn khô, ruộng vườn thiếu nước. Chính vì vậy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp người sản xuất tiết kiệm nước, duy trì vườn cây, chống chọi thời tiết để chờ mưa tới là rất cần thiết.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, với tình hình khô hạn, nhiều nhà vườn tại Ninh Thuận cần tiết kiệm nước để duy trì sản xuất. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã hỗ trợ cho các mô hình sản xuất giống cây bưởi da xanh tại xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước thực hiện tưới nhỏ giọt. Theo đó, Trung tâm hỗ trợ 50% giống cây bưởi và vật tư thuốc bảo vệ thực vật trong năm đầu thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, thôn Ninh Quý II, xã Phước Sơn, Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được chọn tham gia mô hình với diện tích 5.000 m2. Để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi, gia đình bà Thảo đã làm luống, đào ao tích nước. Sau đó, bà lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt quanh gốc bưởi, đồng thời phân bổ hệ thống này trên toàn bộ diện tích vườn.
Cùng với ứng dụng tưới tiết kiệm nước cho vườn bưởi, nhiều nhà vườn khác tại Ninh Thuận cũng đang áp dụng phương pháp này để ứng phó giai đọan khô hạn hiện nay. Anh Nguyễn Thành Quang, ngụ tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận cho hay, gia đình anh trồng 5.000 m2 nho đỏ nhưng cứ vào mùa khô hạn nhiều cây nho lại bị chết khô do không đủ nước tưới.
Hồi tháng 10/2019, anh Quang đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho toàn bộ vườn nho nên mùa khô năm nay gia đình không còn nỗi lo thiếu nước tưới. Bằng cách tưới nước tiết kiệm này, đất giữ được độ ẩm theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây nho, cây không bị kiệt sức do thiếu nước tưới.
Bên cạnh đó, tưới tiết kiệm không gây ra hiện tượng úng cục bộ như tưới tràn, giúp bộ rễ cây nho phát triển khoẻ, có thể đưa phân bón trực tiếp vào nguồn nước tưới, giảm thiểu lượng phân bón bị thất thoát do bốc hơi hoặc bị rửa trôi do tưới tràn quá nhiều.
Đặc biệt, nhờ áp dụng tưới nước tiết kiệm, bà con nông dân có thể mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, góp phần hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.
Theo ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.500ha đất sản xuất gồm cây nho, táo, mía, mãng cầu, bưởi, mít, cây rau màu, cỏ chăn nuôi áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.
Để ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn nước tưới vào mùa khô, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích và sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích các loại cây trồng khác nhau.
Đặc biệt, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước ảnh hưởng của thời tiết khô hạn năm nay.