BVR&MT – Indonesia ngày nay là quê hương của những quần thể tê giác Sumatra cuối cùng, loài từng tồn tại trên phần lớn miền nam châu Á.
Các số liệu chính thức vẽ nên một bức tranh lạc quan hơn so với ước tính của nhiều chuyên gia độc lập khi cho rằng quần thể tê giác Sumatra còn khoảng 80 cá thể, tập trung tại 3 vùng sinh cảnh: hệ sinh thái Leuser nằm ở phía bắc Sumatra với 50 cá thể, Vườn quốc gia Way Kambas ở phía nam Sumatra với 20 cá thể và 10 cá thể ở đảo Borneo thuộc tỉnh Kalimantan. Ngoài ra, một số lượng nhỏ cá thể tê giác cũng có thể tồn tại trong Vườn quốc gia Bukit Barisan Selatan trên đảo Sumatra.
Với số lượng ít ỏi và quần thể bị phân tán, các chuyên gia và quan chức Indonesia đồng thuận cho rằng cần phải tăng cường nỗ lực nhân giống tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) trong điều kiện nuôi nhốt. Một trung tâm hiện có ở Way Kambas là nơi sinh sống của 7 cá thể tê giác, trong đó có 2 cá thể con được sinh ra. Năm 2018, một cá thể tê giác đã được bắt từ đảo Borneo để đưa về trung tâm thứ hai trong Khu bảo tồn Kelian ở tỉnh Đông Kalimantan. Và kế hoạch đang được tiến hành để mở một trung tâm thứ ba tại Leuser.
Các nhà bảo tồn dự định bắt thêm 6 cá thể tê giác trong ba hệ sinh thái và hợp nhất thành một chương trình nhân giống duy nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến kế hoạch bị trễ lại.
Cùng xem nỗ lực của các chuyên gia trong việc đưa loài tê giác quý hiếm này trở lại từ bờ vực tuyệt chủng.
Way Kambas
Way Kambas nằm ở cuối phía nam đảo Sumatra, là nơi nuôi dưỡng cả tê giác hoang dã và 7 cá thể tê giác tại Khu bảo tồn tê giác Sumatra (SRS). Hai cá thể con được sinh ra tại SRS từ cùng một bố mẹ vào năm 2012 và năm 2016. Tuy nhiên, những nỗ lực kể từ đó đến nay đã không mang lại thêm cá thể tê giác nào. Zulfi Arsan, bác sĩ thú y cao cấp của SRS cho biết cá thể tê giác Rosa đã bị sẩy thai 7 lần kể từ năm 2017. Trong khi trọng tâm chính của SRS vẫn là sinh sản tự nhiên, các chuyên gia đang nghiên cứu công nghệ hỗ trợ sinh sản, bao gồm cả thụ tinh nhân tạo để cân nhắc áp dụng đối với các cá thể ở Way Kambas SRS và các trung tâm khác. Các kế hoạch cũng đang được tiến hành để chuyển một số tê giác hoang dã từ Way Kambas tới các khu vực khác nhưng buộc phải hoãn lại vì đại dịch.
Kalimantan
Khu bảo tồn Kelian Lestari ở tỉnh Đông Kalimantan thuộc đảo Bornean đang nuôi nhốt một cá thể tê giác có tên là Pahu kể từ khi cá thể này bị bắt vào năm 2018. Bác sĩ thú y cho biết Pahu nhìn chung có sức khỏe tốt và điều này được minh chứng bằng bẫy ảnh cho thấy Pahu từng sinh con trước đó. Tuy nhiên, do có những bất thường về sinh sản nên hiện Pahu không thể sinh con. Ngoài Pahu, có một cá thể cái khác là Pari cũng được xác định trên bẫy ảnh và đang được các nhà chức trách lên kế hoạch bắt giữ đưa về Kalimantan, tuy nhiên điều này chưa thể thực hiện do Covid-19.
Leuser
Hệ sinh thái Leuser là nơi sở hữu quần thể tê giác Sumatra hoang dã lớn nhất còn lại bao gồm một khu vực có quần thể tê giác sống tập trung và một khu vực khác có một số cá thể sống phân tán. Trong khi kế hoạch bắt giữ một số cá thể sống phân tán đưa về nuôi nhốt bị trì hoãn vì đại dịch thì một cơ sở nuôi nhốt mới gần Leuser đã được mở. Ngay khi có thể tiếp tục, các nỗ lực nhân giống này sẽ được tiếp tục.
Ý Nhi (Theo Mongabay)