BVR&MT – Chị Trần Thị Một (1992), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cán bộ Cơ Tu duy nhất tại Đà Nẵng tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI, năm 2020. Chị đã vận động thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn, xóa bỏ dần những hủ tục, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu trong thế hệ trẻ.
Khi đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Chi đoàn, điều chị Một thấy khó khăn nhất là tập hợp thanh niên trong thôn tham gia sinh hoạt. Do các bạn trẻ trong thôn thường xuyên đi rừng, trồng keo, lao động chân tay, cho nên việc gặp mặt vận động rất khó, nhất là tham gia những phong trào của thôn, xã… Lúc đó, chị đã đến các nhà dân, tiệm tạp hóa, quán nước… xin lon nước, ve chai về bán lấy tiền mua nước để mời đoàn viên tham gia sinh hoạt.
Một lần, chuẩn bị hoạt động cắm trại cho Tháng Thanh niên với chủ đề bảo vệ môi trường, nhưng kinh phí không có, một mình chị lên công trình hầm Mũi Trâu sát với chân núi Hải Vân để xin hỗ trợ. Lần đó, thương cô gái nhỏ bé dám lên tận công trình xin kinh phí, chủ công trình đã hỗ trợ bốn triệu đồng cho chi đoàn của chị. Với số tiền đó, chị Một đưa các bạn trẻ xuống huyện tham gia làm trại, lo ăn uống. Từ nhiều lần sinh hoạt như vậy, cùng với sự nhiệt tình của chị, đoàn viên dần gắn kết với nhau, các bạn trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của mình với phong trào đoàn, các đoàn viên chi đoàn thôn Giàn Bí đều hăng hái tham gia.
Ngoài những chuyên đề sinh hoạt của Đoàn, chị Một thường lồng ghép thêm các chủ đề tuyên truyền các nội dung liên quan tuổi vị thành niên, về phát triển kinh tế gia đình, phòng, chống đuối nước và cấp cứu khi có trường hợp đuối nước… Bên cạnh đó, lâu nay hai thôn Tà Lang và Giàn Bí của xã Hòa Bắc thường có nhiều khách du lịch lên cắm trại ven bờ suối vào cuối tuần, là tín hiệu mừng đối với phát triển du lịch của xã. Nhưng đi kèm với đó, nhiều nhóm người thường để lại rác, không dọn dẹp sạch sẽ sau mỗi buổi cắm trại. Chi đoàn đã nhiều lần ra quân dọn vệ sinh, đồng thời cùng với các đoàn viên đến những khu du lịch, điểm du lịch, ven các suối để tuyên truyền, vận động khách du lịch bảo vệ môi trường, không gạt than xuống sông, suối…
Trần Thị Một cũng đi đầu xóa bỏ, giảm bớt hủ tục trong hiếu hỉ, lễ tiệc. Từ việc làm của chị, người dân trong thôn nhận thấy lợi ích, cho nên đã làm theo.
Ba năm trước, chị Một cùng đoàn công tác hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được đi tham quan các điểm du lịch của người Cơ Tu tại huyện Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam). Mỗi điểm đến, đoàn được nghe những điệu trống chiêng, được xem những điệu múa Dâng trời (Tung tung da dá), xem các chị, các mẹ dệt thổ cẩm. Chị vừa thích thú khi cảm nhận được nét văn hóa Cơ Tu đầy hấp dẫn, nhưng cũng suy nghĩ khi hai thôn nơi mình sống không còn điệu múa, đàn ông không đánh nhạc cụ và phụ nữ không dệt thổ cẩm. Trở về, chị Một đi gặp các già làng, các mế (mẹ) lớn tuổi để hỏi cách múa, đến những nhà còn giữ nhạc cụ để mượn, vận động thanh niên buổi tối ra nhà Gươl làng để học lại điệu múa. Người Cơ tu như “bừng tỉnh” khi lại nghe tiếng trống vang vọng. Thế là người lớn đánh nhạc cụ và dạy thanh niên trong làng, phụ nữ, con gái thì học nhảy.
Năm 2018, đội văn nghệ được thành lập, ban đầu chỉ mười người tham gia và chỉ múa tại những sự kiện của thôn, xã, của đoàn. Sau đó, chị Một đã liên kết với các đơn vị du lịch để đội văn nghệ được biểu diễn cho khách, nhờ vậy, vừa quảng bá được văn hóa Cơ Tu, lại có thêm thu nhập cho thanh niên. Đến nay, đội đã có 40 thành viên của hai thôn, chia nhau luân phiên biểu diễn mỗi lần có đoàn du lịch ghé đến.
Khó khăn nhất của chị là phục dựng nghề dệt thổ cẩm. Không ít lần, chị cùng nhiều người có nguyện vọng lên xã, xin được hỗ trợ để mời các cô giáo tại huyện Đông Giang (Quảng Nam) về dạy cách dệt vải. Chị lại đến từng nhà vận động phụ nữ trong thôn tham gia học dệt. Được sự hỗ trợ từ xã, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của hai thôn được thành lập, chị làm tổ trưởng của thôn Giàn Bí với 10 phụ nữ tham gia. Tuy nhiên, phụ nữ Giàn Bí ngày đi làm thuê ở vườn keo, làm nông, nên khó sắp xếp học dệt trong thời gian dài. Chỉ cần một sợi dệt bị đứt, hay sợi chỉ bị rối sẽ bỏ cả tấm vải. Rồi không có kinh phí mua chỉ, mua cườm… Cuối năm 2019, vì thiếu kinh phí mà tổ hợp tác tan rã, hành trình ba năm của chị dường như dừng lại. Không nản chí, chị Một cùng tổ trưởng thôn Tà Lang lại lên xã, xin hỗ trợ cho các chị em mua sợi dệt, xin được liên kết làm điểm du lịch, mỗi lần có đoàn khách lên sẽ biểu diễn và bán sản phẩm dệt cho khách. Ròng rã ba năm từ khi bắt đầu học, các chị mới có được thu nhập từ dệt. “Giờ đây chị em phụ nữ Cơ Tu xúng xính trong những bộ váy truyền thống do chính tay mình dệt mỗi lần có dịp họp hành, sinh hoạt văn hóa, đón khách du lịch. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, đầu ra sản phẩm vẫn còn chưa ổn định, nhưng tôi và mọi người đã tự hào hơn rất nhiều khi văn hóa của dân tộc mình được khôi phục. Đại diện cho lớp trẻ Cơ Tu, tôi cần nỗ lực hơn nữa để cùng với mọi người tạo dựng cuộc sống no ấm hơn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình” – chị Trần Thị Một chia sẻ.