BVR&MT – Toàn tỉnh Ninh Thuận có 152 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 30 sản phẩm đạt 4 sao; có hai sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao là nước mắm CaNa với 32 và 42 độ đạm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có từ hai đến ba sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận cấp quốc gia.
Năm 2023, nhờ khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng 1.669 ha, nâng diện tích gieo trồng các loại cây cho thu hoạch hằng năm, như: lúa, mía, sắn, ngô, táo… lên hơn 85.000 ha, vượt 2,8% kế hoạch đề ra, tăng 4,1% so với năm 2022.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Kim Cương cho biết:
Mùa mưa ở Ninh Thuận chỉ khoảng ba tháng/năm, lượng mưa ít nhất cả nước, do đó, tỉnh tập trung phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, để ứng phó, giảm sự lệ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu Ninh Thuận như nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, chuối, chanh không hạt,…
Ba năm qua, được Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao, anh Nguyễn Đình Trí ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn đã trồng các giống nho mới: NH01-152, nho không hạt NH04-102 (nho ngón tay đen), nho mẫu đơn… trong nhà màng đạt năng suất cao.
Anh Trí chia sẻ: “Trồng nho trong nhà màng có nhiều ưu điểm như ngăn được mưa, gió, sương; hạn chế sâu bệnh gây hại; ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; có thể trồng 2-3 vụ/năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Nhờ đó, hiệu quả tăng hơn 25% so với trồng nho truyền thống. Đặc biệt, hai giống nho đã trồng không chỉ vượt trội về năng suất, chất lượng quả to, màu sắc đẹp, hương vị thơm ngọt,… mà giá bán ra thị trường rất cạnh tranh so với nho nhập ngoại, có lãi cao hơn so với cách trồng truyền thống”.
Hiện, Ninh Thuận đã nâng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 565 ha, hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, thu hút đầu tư 38 dự án; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 938 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình trồng dưa lưới, nho,… cho thu nhập hơn một tỷ đồng/ha/năm.
Ninh Thuận cũng đã xây dựng 67 liên kết chuỗi giá trị; trong đó, có 35 liên kết chuỗi giá trị quy mô cánh đồng lớn, nâng giá trị sản xuất bình quân đạt gần 144 triệu đồng/ha (cao hơn năm triệu đồng/ha so với năm 2022); cấp thêm 19 mã vùng trồng/202,434 ha, nâng tổng số toàn tỉnh hiện có 29 mã vùng trồng/283,034 ha; cấp một mã số vùng trồng 23 ha cây bưởi ở huyện Bác Ái xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ…
Liên kết phát triển sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã hình thành và lan tỏa nhiều mô hình liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các sản phẩm nông sản nổi bật, đặc trưng miền nắng gió Ninh Thuận được chế biến sau thu hoạch như:
Nha đam hương yến, nha đam sệt vị chanh dây, nha đam sệt vị dâu… (Công ty cổ phần thực phẩm Cánh đồng Việt);
Giấm nho (Hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận);
Nho NH01-152 (Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được công nhận hạng 4 sao và nhiều sản phẩm đặc sản khác đạt hạng 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Nhiều năm qua, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại-dịch vụ Ba Mọi (thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) được biết đến là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm nho, táo xanh dùng để ăn tươi và cung ứng cho hệ thống siêu thị trên cả nước, nay, công ty chuyển sang chế biến, đa dạng hóa và có 6 sản phẩm: nho, táo xanh, nho sấy, táo sấy, chuối sấy đạt chứng nhận 3 sao, 4 sao.
Hằng ngày, công ty tiếp đón hơn 100 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm các sản phẩm.
Còn Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại nông sản Thái Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chuyên sản xuất các sản phẩm táo, nho tươi, sấy khô, đã liên kết với các hợp tác xã, hộ dân trong vùng liên tiếp mở rộng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mỗi năm đơn vị thu mua từ 300 đến 400 tấn táo tươi, trong đó chế biến từ 150-180 tấn táo tươi thành các sản phẩm táo sấy dẻo tách hạt, nguyên hạt, ô mai táo, siro táo, giấm táo bằng thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói… hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, cung ứng cho các cửa hàng OCOP, sân bay, siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.
Nổi bật trong các sản phẩm OCOP tại Ninh Thuận là sản phẩm măng tây xanh, đây là giống cây trồng đã biến vùng “đất khát” bị hoang hóa mấy chục năm tại xã An Hải, huyện Ninh Phước trở thành vùng đất trù phú.
Chỉ với diện tích một sào (1.000 m2) trồng măng tây xanh, với giá sản phẩm từ 45.000 đến 55.000 đồng/kg, mỗi ngày, nông dân thu nhập thấp nhất là 500.000 đồng. Câu chuyện nhiều “nông dân chân đất” trở thành triệu phú từ trồng măng tây xanh ngày càng nhiều.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Linh Đan Ninh Thuận được coi là doanh nghiệp đi đầu trong liên kết chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, vừa giảm chi phí sản xuất vừa bảo đảm sản phẩm măng tây xanh đạt chuẩn xuất khẩu.
Anh Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: Toàn tỉnh có khoảng 500 ha cây măng tây xanh cho thu hoạch quanh năm, bình quân 100 kg/ha/ngày. Riêng công ty có hơn 30 ha, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 700 kg măng tây tươi loại 1. Măng tây xanh sau khi thu hoạch, phần ngọn được dùng làm rau ăn.
Năm 2023, công ty đã đầu tư hệ thống kho lạnh đạt chuẩn để bảo quản sản phẩm lâu hơn, bảo đảm giữ nguyên chất dinh dưỡng, đã xuất khẩu từ 6-8 tấn/tháng sang các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore.
Ninh Thuận đang ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn để nâng cao giá trị cho sản phẩm đã được gắn sao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Huyền cho biết: Tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để khuyến khích các tổ chức kinh tế, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định và đẩy mạnh hoạt động quảng bá các sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm; xây dựng các điểm trưng bày, bán các sản phẩm gắn với các hoạt động du lịch, văn hóa để kết nối các chương trình, tour, tuyến du lịch mua sắm tại các trung tâm, cửa hàng OCOP, trạm dừng chân và trải nghiệm ngay tại các cơ sở sản xuất.
Hơn 10 năm trở lại đây, du lịch nông thôn đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ dân ở một số làng quê nông thôn, miền núi, góp phần đáng kể trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Khí hậu ít mưa, nhiều nắng trở thành lợi thế tự nhiên cho Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi như nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây xanh, nha đam…
Hiện nay, hầu hết các vùng trồng nho tại Ninh Thuận đều áp dụng kỹ thuật chăm sóc tốt cũng như phương thức sản xuất gối đầu, gối vụ, hầu như sản phẩm quả nho ăn tươi tại các vườn trồng của nông dân có quả quanh năm, giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, tăng giá trị kinh tế đáng kể.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) là một trong những cơ sở thực hiện hiệu quả mô hình phát triển sản phẩm gắn với dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Cùng với sản phẩm nho NH01-152 đạt tiêu chuẩn 4 sao, hợp tác xã còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao gồm: táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và chọn mua sản phẩm dùng hoặc làm quà. Hợp tác xã đang mở rộng đầu tư trồng năm giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo điểm nhấn, sẽ thu hút nhiều hơn du khách khi đến Ninh Thuận”.
Những vùng trồng đặc sản gắn với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như Vườn Quốc gia Phước Bình, huyện Bác Ái hay dọc theo tuyến đường ven biển dài 105 km có nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như bãi tắm Ninh Chữ-Bình Sơn, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên, bãi Thùng, bãi Hỏm, Mũi Dinh, Nam Cương…
Trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam; Vườn Quốc gia Núi Chúa là một trong 11 vùng sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2021… là những yếu tố cốt lõi góp phần tạo nên thương hiệu đặc trưng cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông thôn ở Ninh Thuận.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Huyền cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương lồng ghép và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác.
Đồng thời, đề ra 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phấn đấu trong năm 2024, tăng thêm diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 200-220 ha, tăng thêm sản phẩm OCOP để sớm đạt mục tiêu có sản phẩm được công nhận cấp quốc gia.