BVR&MT – Năm 2020, toàn tỉnh Ninh Thuận trồng mới gần 843 ha rừng (530 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, 312 ha rừng thay thế, 0,5 ha rừng khắc phục); chăm sóc diện tích rừng trồng thuộc các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp bền vững hơn 1.294 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 3.027 ha.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NÐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ, được hơn 66.587 ha (bình quân mỗi hộ nhận khoán 30 ha với đơn giá 12 triệu đồng/năm). Tỉnh dành các nguồn kinh phí mua gạo hỗ trợ hàng nghìn hộ dân tham gia trồng rừng phục hồi trên nương rẫy các tháng giáp hạt để yên tâm bảo vệ rừng. Với các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng, chất lượng rừng trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhiều diện tích rừng nghèo kiệt được phục hồi, trữ lượng ngày càng tăng, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 lên 46,8%. Rừng tự nhiên tại Ninh Thuận vẫn đang được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra điểm nóng phá rừng.
Tỉnh hiện có diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng hơn 204,2 nghìn ha (trong đó hơn 155,4 nghìn ha có rừng). Ðể nâng cao hiệu quả phát triển rừng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng rừng sản xuất tập trung. Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các lực lượng, nhất là giữa lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương cùng các hộ dân, cộng đồng dân cư sống ven rừng. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; vận động các hộ dân tham gia, mở rộng đầu tư các mô hình sinh kế cả về quy mô, chất lượng, bảo đảm các hộ dân trong cộng đồng tham gia bảo vệ rừng có tài sản tích lũy, đời sống kinh tế ngày càng ổn định, bền vững và không tác động xâm hại đến rừng.
* Trong năm 2020, các ngân hàng ở tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nông dân trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất và thời hạn hợp lý, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm của Chính phủ và địa phương. Ước tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hơn 16 nghìn tỷ đồng, tăng 13,98% so cùng kỳ năm 2019. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn hơn 25.269 tỷ đồng, tăng 8,03% so cùng kỳ. Nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức dưới 2% tổng dư nợ.
Năm 2021, tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả song song với nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất; hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác xử lý nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu. Tăng cường xử lý hoạt động tín dụng đen; phòng, chống rửa tiền. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chương trình tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, bảo đảm hoạt động thanh toán tổn định, an toàn và hiệu quả.