An ninh nguồn nước Châu Á Thái Bình Dương: Cải thiện nhưng vẫn nhiều thách thức

BVR&MT – Nhìn một cách tổng thể, an ninh nguồn nước ở châu Á Thái Bình Dương đã có những tiến triển đáng kể so với 5 năm trước, tuy nhiên, khu vực này vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn về nguồn nước như nước ngầm bị khai thác quá mức, nhu cầu nước tăng do dân số tăng nhanh và biến đổi khí hậu. Đó là những nhận định được đưa ra trong Báo cáo Tổng quát về Phát triển Nguồn nước Châu Á năm 2016 (Asian Water Development Outlook – AWDO 2016)* do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xuất bản.

Bằng việc sử dụng những dữ liệu mới nhất, Báo cáo AWDO 2016 đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về các vấn đề liên quan tới an ninh nguồn nước của 48 quốc gia trong khu vực. Theo đó, số lượng các quốc gia bị đánh giá là có nhiều bất ổn về an ninh nguồn nước đã giảm xuống còn 29, so với con 38 (trong số 49 quốc gia) trong Báo cáo trước đó công bố năm 2013.

Phát biểu trong buổi lễ công bố báo cáo tại Tuần lễ Nước Thế giới 2016 diễn ra ở Stockholm từ 28/8 đến 2/9/2016, ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch về Quản lý tri thức và Phát triển bền vững của ADB cho biết, Châu Á Thái Bình Dương là khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về an ninh nguồn nước và khu vực sẽ không thể duy trì quá trình tăng trưởng kinh tế như hiện tại nếu không giải quyết vấn đề này. Để đáp ứng những thách thức về kinh tế xã hội của khu vực và đạt được 6 Mục tiêu Phát triển bền vững về Nước đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải thu hẹp được khoảng cách trong chất lượng cung cấp các dịch vụ về nước giữa người giàu và người nghèo ở khu vực thành thị và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Theo AWDO 2016, ở Châu Á Thái Bình Dương hiện đang có 1,7 tỷ người đang sống trong tình trạng thiếu các điều kiện vệ sinh cơ bản. Và theo ước tính thì vào năm 2050 sẽ có khoảng 3,4 tỷ người phải sống ở các khu vực căng thẳng về nước ở Châu Á Thái Bình Dương và nhu cầu nước sẽ tăng 55% so với hiện tại.

Báo cáo của ADB đánh giá các vấn đề liên quan tới an ninh nguồn nước dựa theo 5 yếu tố chính cụ thể là khả năng tiếp cận với nguồn nước sạch của các hộ gia đình, an ninh nguồn nước trong phát triển kinh tế, các dịch vụ về nước ở đô thị, khả năng hồi phục của các dòng sông và các hệ sinh thái; và khả năng phục hồi sau các thảm họa liên quan đến nước. Kết quả cho thấy, các nền kinh tế tiên tiến như Úc, Nhật Bản và New Zealand vẫn tiếp tục dẫn đầu, theo sau là các nước khu vực Đông Á đi đầu là Trung Quốc với những bước tiến đáng kể về cải thiện an ninh nguồn nước so với số liệu về nước này trong Báo cáo AWDO năm 2013.

An ninh nguồn nước ở châu Á vẫn còn nhiều thách thức (Ảnh: indiaenvironmentportal.org.in)
An ninh nguồn nước ở châu Á vẫn còn nhiều thách thức (Ảnh: indiaenvironmentportal.org.in).

Với thang điểm 20 cho tiêu chí về sự tiếp cận của các hộ gia đình với đường ống nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường, điểm số cho các quốc gia ở châu Á Thái Bình Dương dao động từ 4,5 điểm (ở các quốc gia Nam Á) tới 20 điểm ở các quốc gia phát triển. Hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có sự cải thiện điểm số (khoảng 2 điểm) so với năm 2013, ngoại trừ các đảo Thái Bình Dương.

Theo báo cáo, mặc dù sự chênh lệch trong việc tiếp cận các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cung cấp nước máy và vệ sinh môi trường giữa nông thôn và thành thị đã giảm đáng kể ở một số nước như Armenia và Thái Lan, nhưng mức độ chênh lệch vẫn còn rất lớn giữa nông thôn và thành thị, giữa người giàu và người nghèo. Nam Á là khu vực cần có những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện sự chênh lệch này.

Tiêu chí đo lường quan trọng thứ hai là an ninh nguồn nước trong phát triển kinh tế, trong đó đưa ra những đánh giá về việc sử dụng hiệu quả nguồn nước để tăng trưởng kinh tế bền vững trong sản xuất lương thực, công nghiệp và năng lượng. Về tiêu chí này, đa số những thay đổi so với năm 2013 là tích cực, và các nước phát triển lại một lần nữa đạt được điểm cao trong khi các đảo ở Thái Bình Dương vẫn tụt hậu hơn. Vẫn cần nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này, đặc biệt là các quốc gia Trung Á.

Đối với tiêu chí thứ ba, an ninh nguồn nước đô thị, khu vực Đông Á đã có những tiến bộ tích cực trong khi Nam và Đông Nam Á cần nỗ lực hơn, đặc biệt là Myanmar, Pakistan và Philippines. Gần một nửa trong tổng số các quốc gia đã có đường ống cung cấp nước sạch cung cấp cho hơn 85% dân số đô thị nhưng chưa đến 50% dân số thành thị được tiếp cận được với sự cải thiện về điều kiện vệ sinh môi trường. Trong nhiều lĩnh vực, phần lớn nước thải được thải trực tiếp ra môi trường, rất ít trường hợp được thu gom hoặc xử lý. Báo cáo cho rằng cần có sự đầu tư thích đáng hơn để đáp ứng các nhu cầu về nước cho khu vực thành thị.

Tiêu chí thứ tư dùng để đánh giá quá trình quản lý lưu vực sông và các dịch vụ hệ sinh thái của các quốc gia. Kết quả cho thấy, các đảo ở Thái Bình Dương đạt được điểm số cao cho sức khỏe của các con sông, trong khi các quốc gia phát triển được điểm cao cho việc quản trị tốt. Sự suy giảm sức khỏe của các con sông thể hiện rõ nhất ở Bangladesh, hạ lưu sông Dương Tử ở Trung Quốc, Nepal và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Về tiêu chí khả năng phục hồi sau các thảm họa liên quan tới nước, Báo cáo cho biết, các nền kinh tế phát triển ứng phó nhanh và hiệu quả trong khi các quốc gia còn lại đều ở mức yếu. Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2015 đã có 2.495 thảm họa nghiêm trọng liên quan đến nước ở châu Á, cướp đi sinh mạng của 332.000 người và gây thiệt hại 3,7 tỷ USD. Nam Á có điểm số về khả năng phục hồi thấp nhất, nhưng một số quốc gia khác như Pakistan, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc có điểm số cải thiện đáng kể so với báo cáo năm 2013.

Báo cáo của ADB kết luận mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế như thể một vòng tròn khép kín. Đầu tư cho quản trị tốt nguồn nước là đầu tư dài hạn cho tăng trưởng kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo. Các khoản đầu tư liên quan đến nguồn nước sẽ giúp tăng năng suất, kinh tế tăng trưởng sẽ lại cung cấp các nguồn lực để đầu tư cho tổ chức quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng về nước.

*AWDO 2016 được thực hiện với sự phối hợp của ADB và Diễn đàn Nước Châu Á-Thái Bình Dương cùng ba tổ chức chuyên môn là Trung tâm An ninh Nguồn nước Châu Á Thái Bình Dương của Đại học Thanh Hoa, Viện Quản lý Nước quốc tế và Trung tâm Nước Quốc tế.

Bích Ngọc (Biên dịch)