BVR&MT – “Nhà sạch, vườn đẹp”, tuyến đường hoa hay đoạn đường phụ nữ tự quản… là những mô hình thiết thực mà các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đang triển khai thực hiện, góp phần đưa công tác bảo vệ môi trường gắn với trách nhiệm cộng đồng.
Phong trào “Ngày thứ bảy sạch” đi vào nền nếp
Trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu, là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động triển khai phong trào “Ngày thứ 7 sạch” tại cộng đồng dân cư. Phong trào đã nhận được sự phối hợp của các hội, đoàn thể, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia.
Đến nay, phong trào đã được triển khai nền nếp, sáng tạo, hiệu quả ở 143/143 cơ sở Hội và 100% chi hội duy trì thực hiện, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư, làm thay đổi diện mạo các thôn, xóm khu phố thêm xanh, sạch, đẹp.
Giai đoạn 2016-2021, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã tổ chức được gần 100 buổi ra quân vệ sinh môi trường, duy trì phong trào “Ngày thứ bảy sạch” với trên 950.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia, đã tổng vệ sinh, định kỳ làm sạch trên 30.000 km đường thôn, xóm; trồng 978 km đường hoa, đường cây phụ nữ; xây dựng 4.000 hố xử lý rác hữu cơ tại gia đình, 32 tuyến đường bích họa với 262 bức tranh, tổng diện tích 30.700m2.
Từ phong trào, Hội Phụ nữ một số địa phương đã triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường như: “Tuyến đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “CLB Phụ nữ chống rác thải nhựa”; “Phụ nữ với văn minh du lịch”, tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng tiêu chí chấm điểm xếp loại xây dựng hộ gia đình có nếp sống ăn, ở hợp vệ sinh… Các nội dung trên đã góp phần tích cực trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại các địa phương.
Bên cạnh đó, tại cơ sở, Hội Phụ nữ còn tổ chức những đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường vào các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Môi trường thế giới (5/6). Tại các xã ven biển huyện Kim Sơn, Hội phụ nữ xã thường xuyên phối hợp tổ chức “Chiến dịch hãy làm sạch biển”; duy trì hoạt động của các tổ, nhóm giám sát bảo vệ môi trường, thu gom rác nơi công ty môi trường không thực hiện thu gom.
Đồng thời, các cấp Hội Phụ nữ cũng tích cực vận động hội viên, phụ nữ và người dân cùng tham gia các hoạt động biến các bãi rác tự phát, khu đất trống thành vườn hoa của thôn, xóm, khu phố, phát động xây dựng mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại 100% các chi hội trong toàn tỉnh.
Hỗ trợ xây dựng “gia đình 3 sạch”
Phong trào “Ngày thứ bảy sạch” đã được các cấp Hội phụ nữ triển khai gắn với thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và được mở rộng phạm vi, nội dung thực hiện, trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại các cơ sở Hội.
Thông qua các mô hình: “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu” được triển khai trong các cấp Hội đều đã cụ thể hóa, phát huy rõ nét hoạt động hỗ trợ xây dựng “gia đình 3 sạch”.
Nhằm hạn chế số lượng rác thải ra môi trường, trong 5 năm (2016-2021), các cấp Hội đã tổ chức trên 150 diễn đàn, tập huấn kiến thức, phòng chống rác thải nhựa; kỹ năng vận động và hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cho trên 10.495 cán bộ, hội viên nòng cốt tại các chi hội.
Qua đó, vận động, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại gia đình và hướng dẫn triển khai mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và trên địa bàn khu dân cư bằng chế phẩm sinh học” cho nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ.
Tại một số cơ sở Hội, mô hình “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu”, biến rác thành tiền đã trở thành hoạt động hỗ trợ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho phụ nữ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.
Hội LHPN xã Đồng Phong (Nho Quan) là một trong những đơn vị duy trì hiệu quả mô hình “Tiết kiệm từ thu gom phế liệu. Đồng chí Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Phong cho biết: “Triển khai mô hình, Hội Phụ nữ xã đã thu về trên 130 triệu đồng từ nguồn bán phế liệu và đóng góp thêm của hội viên phụ nữ. Đến nay, toàn bộ số tiền được sử dụng để hỗ trợ 9 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững, 6 phụ nữ khởi sự kinh doanh hiệu quả”.
Còn tại huyện Yên Khánh, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và trên địa bàn khu dân cư bằng chế phẩm sinh học” được thí điểm tại 6 xã trên địa bàn huyện cũng đạt được hiệu quả tích cực.
Theo đồng chí Tống Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Khánh: Sau khi triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả “kép” đó là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý đã trở thành nguồn phân bón sạch, hữu ích cho cây trồng. Việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã làm thay đổi rõ rệt nếp nghĩ, cách làm của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2022 với chủ đề “Chỉ một trái đất”, 100% cơ sở Hội đã tổ chức ra quân với nhiều hoạt động thiết thực như: dọn vệ sinh các tuyến đường trong khu dân cư; phát quang bụi rậm, khơi thông dòng chảy; quét vôi các gốc cây xanh trên các tuyến đường phụ nữ tự quản; trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, đường cây phụ nữ….
Với sự phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung trong công tác tuyên truyền, cùng với những hoạt động hiệu quả, thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã giúp phong trào bảo vệ môi trường có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cán bộ hội viên, phụ nữ và nhân dân.