BVR&MT – Nhắc đến quả na, người ta thường nghĩ đến các vùng sản xuất na tập trung, quy mô lớn như Phú Long (Nho Quan), Đá Hàn (Gia Viễn) nhưng ít người biết rằng có một vùng trồng na lâu đời ở thôn Nhân Phẩm, xã Yên Lâm, huyện Yên Mô. Tuy diện tích không lớn nhưng những quả na được trồng ở đây thì vô cùng hấp dẫn, dày thịt, thơm nức, ngọt dịu.
Đầu tháng 8, khi tiết trời thu se lạnh tràn về cũng là mùa na chín ở miền Bắc. Theo chân anh Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lâm, chúng tôi tìm về thôn Nhân Phẩm. Nhìn từ xa đã thấy màu xanh mướt mát của hàng trăm, ngàn cây na trên các sườn núi, át màu đen của những dãy đá tai mèo trùng trùng điệp điệp.
Tới vườn na của vợ chồng bác Nguyễn Văn úy, thưởng thức những quả na chín cây vừa hái xuống, anh em chúng tôi vừa nghe kể về chuyện trồng, chăm bón na của hai bác: “Để có được những cây na trĩu quả như ngày hôm nay, ngay từ tháng 10, tháng 11 của năm trước, sau khi thu hoạch na xong, gia đình đã phải tỉa cành, để cây tập trung dinh dưỡng cho việc ra hoa vào mùa xuân, không tốn thức ăn để nuôi cành lá vô hiệu, sau đó bón một lượt phân lân, phân chuồng.
Đến tháng 2 năm sau khi na chuẩn bị ra lộc, ra hoa lại bón phân một lần nữa, lần này bổ sung thêm đạm và kali. Ngoài ra, có một bí quyết đặc biệt để quả na ngon hơn, đó là gia đình tìm mua vỏ con dắt ở biển về để rải xung quanh gốc cây (loại này rất nhiều canxi và khoáng)…”. Theo bác úy, so với cây lúa thì trồng na nhàn hơn mà thu nhập cũng khá. Với 400 gốc na, mỗi năm gia đình bác thu lãi khoảng 40-50 triệu đồng. Năm nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá na tuy có giảm đôi chút nhưng bù lại na sai quả, quả to nên thu nhập cũng không bị ảnh hưởng.
Rời vườn na nhà bác úy, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Quý. Chỉ với 3 sào na nhưng bà Quý khoe từ đầu vụ đến giờ đã thu về gần 20 triệu đồng. Bà Quý cho biết: Năm nay nhờ học hỏi được kỹ thuật thụ phấn bổ sung nên vườn na của gia đình cho năng suất cao hơn hẳn. Cụ thể, vào mùa na ra hoa, cứ chiều mát, bà tiến hành hái hoa to, hé nở mọc ở đầu cành (3 cánh hoa chuyển sang màu trắng ngà và tách ra khỏi nhau) rồi đem gói vào giấy báo đậy kín để qua một đêm.
Sáng hôm sau tháo ra lấy hết cuống, cánh hoa, còn phần nhị phấn rơi trên mặt báo, bà sẽ lấy và đem đi thụ phấn cho cây na. Sau khi thụ phấn xong để tránh nhầm lẫn với hoa chưa được thụ phấn bà bấm cánh hoa để đánh dấu. Nhờ được thụ phấn, lại thực hiện chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn na của gia đình quả nào quả đấy mắt to, sáng, tròn đều, bán rất đắt hàng.
Vùng đất Yên Lâm tương truyền xưa là cửa biển Thần Phù, do vậy đất đai khá màu mỡ, trù phú, riêng thôn Nhân Phẩm có nhiều diện tích núi đá nên khá phù hợp để cây na sinh trưởng và phát triển. Toàn thôn có 200 hộ dân thì có tới 50 hộ trồng na, nhà ít thì vài ba sào, nhà nhiều thì trồng cả héc ta. Thu nhập từ cây na, nhiều gia đình có của ăn của để, nhiều ngôi nhà khang trang đã mọc lên.
Anh Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lâm cho biết: Cây na đã được trồng ở đây từ lâu nhưng trước đây người dân trồng và chăm sóc chưa có kỹ thuật, na ra hoa, thụ phấn tự nhiên nên quả chín rộ trong khoảng thời gian ngắn, không được giá. Gần đây, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, giúp bà con sản xuất na theo tiêu chuẩn, biết kỹ thuật thụ phấn, xử lý cho quả trái vụ…
Ngoài cây na dai truyền thống, chúng tôi khuyến khích bà con phát triển thêm giống na bở, na Thái. Nhờ vậy mà quả na đều, đẹp và chất lượng, năng suất, giá bán cao hơn.