BVR&MT – Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh chóng. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển của một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất Ninh Bình có thể sở hữu. Nhưng làm sao khai thác được các giá trị di sản để phát triển kinh tế? Đây cũng là mong muốn, trăn trở của tỉnh Ninh Bình – tìm kiếm giải pháp biến di sản thành tài sản.
Thế mạnh và sự khác biệt
Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Đến nay, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á sở hữu 1 di sản hỗn hợp đó là Quần thể danh thắng Tràng An với giá trị nổi bật toàn cầu, thu hút khách du lịch.
Sự đa dạng về văn hóa, thiên nhiên và thẩm mỹ của di sản cộng hưởng với hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực đặc sắc… là nguồn tài nguyên du lịch hết sức đặc sắc, mang tính đặc trưng văn hóa của Việt Nam, là nguồn lực quan trọng, tạo thế mạnh và sự khác biệt của du lịch Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An, thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012 chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO công nhận) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách.
Năm 2023, Ninh Bình đón hơn 4,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Năm 2024, ngành Du lịch Ninh Bình đặt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt du khách, trong đó khách nội địa 6,6 triệu lượt, khách quốc tế 900 nghìn lượt; phấn đấu đạt doanh thu hơn 8.200 tỷ đồng.
Số liệu thống kê trên cho thấy, Di sản có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu di sản của Ninh Bình hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đã được các địa phương khai thác thành công như Tuần du lịch “Sắc vàng Tam CốcTràng An” năm 2023, Liên hoan hát Xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2023… và một trong những sự kiện văn hóa lớn được tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công đó là: Festival Ninh Bình-Tràng An…
Đây là những sự kiện có tính điểm nhấn khẳng định nét văn hóa đặc sắc, mang thương hiệu riêng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Chính các sản phẩm này đã và đang tạo nên dấu ấn “định vị thương hiệu địa phương” của Ninh Bình trên bản đồ văn hóa du lịch quốc gia, quốc tế; đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh, thành phố có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (Tripadvisor, Telegraph, Business insider…) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch thân thiện nhất, hấp dẫn nhất, được yêu thích nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới…
Sau 10 năm di sản Tràng An được vinh danh đã mang lại giá trị kinh tế lớn cho chính quyền và cộng đồng địa phương.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam phân tích: Hạn chế lớn nhất mà Ninh Bình đang phải đối mặt đó là: Hiệu quả kinh tế của ngành Du lịch chưa thực sự thuyết phục, chưa thu hút được các nguồn đầu tư lớn, kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, sản phẩm du lịch chưa phong phú, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, chưa có chiến lược và kế hoạch quản trị rủi ro để ứng phó kịp thời với thiên tai và các rủi ro khác.
Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững trong quá trình mở rộng đô thị Ninh Bình là nâng cao nhận thức đối với du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển bền vững; quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; áp dụng giải pháp thuận tự nhiên trong phát triển hạ tầng; kiểm soát sức chứa của điểm đến.
Biến di sản thành tài sản
Ninh Bình đã lựa chọn hướng đi lên với Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả thành phố di sản thế giới và thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản.
Đây được đánh giá là hướng đi đúng của đô thị hóa kiểu mới trong các chiến lược phát triển đột phá. Vì thế, Ninh Bình đang mong muốn xây dựng được các sản phẩm du lịch thể hiện giá trị di sản một cách đầy đủ, chân xác và khoa học từ giá trị văn hóa chiếm cư của người tiền sử, để giá trị về địa chất, địa mạo tại Tràng An và cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, xứng đáng là “mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế-xã hội” như Tổng Giám đốc UNESCO từng nhận xét.
Để đạt mục tiêu này, TS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, phát triển kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm.
Để phát triển kinh tế di sản, Ninh Bình trước hết cần định lượng giá trị di sản một cách bài bản, khoa học. Ngoài ra, Nghị quyết số 16- NQ/TU ngày 23/8/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025 sẽ định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư là “Đô thị Cố đô-Di sản” là đúng đắn và có tầm nhìn.
Để phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/ TU thì việc lập đề án Đô thị di sản-Du lịch là rất quan trọng, tạo khung chiến lược, nền tảng, căn cứ, có giá trị cốt lõi để Ninh Bình từng bước vững chắc đi lên, phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Ninh Bình đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt.
Ông Paul Dingwall, chuyên gia IUCN Wellington, New Zealand đề nghị: Tràng An và các cơ quan quản lý Di sản Thế giới của Việt Nam xem xét thực hiện việc đánh giá phân tích chi phí-lợi ích toàn diện đối với Di sản Tràng An, vì nó có thể mang lại những kết quả đáng ngạc nhiên và thu được lợi ích tài chính. Một Công viên Địa chất toàn cầu cho Ninh Bình, một cách rất hứa hẹn để nâng cao giá trị và vị thế của Tràng An là tham gia Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.
PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam thì cho rằng, Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc và đặc biệt hơn là gắn liền với quá trình quần tụ trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước.
Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân Tràng An.
Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng; bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Dẫn phát biểu của Homer trong Odyssey vào thế kỷ thứ IX, rằng “du khách không bao giờ quên được người chủ nhà đã rộng rãi thiết đãi họ”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng giữa du khách và dân bản địa trong phát triển du lịch thành công tại các di sản văn hóa.
“Tương lai của Đô thị di sản với tầm nhìn thiên niên kỷ tới hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đồng hành với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với sự định cư liên tục để có được nền văn hóa Tràng An có cội nguồn sâu sắc, ghi dấu ấn vào chủ quyền và độc lập hơn 1000 năm trước của cha ông”.
Ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu là tiền đề quan trọng để Ninh Bình phát triển kinh tế di sản dựa trên những giá trị bản địa, lịch sử vốn có. Đây cũng là định hướng mà Ninh Bình đang tập trung khai thác, phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An