BVR&MT – Không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, khiến học sinh nhiều trường học ở Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên… phải nghỉ học để tránh rét.
Không khí lạnh mạnh tác động đến các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ từ đêm 7-11/1 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Xuất hiện mưa tuyết
Trong đêm 10 và ngày 11/1, mưa tuyết xuất hiện ở vùng núi cao phía Bắc. Từ 0 giờ ngày 11/1, mưa tuyết đã bắt đầu rơi tại xã vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát) và đỉnh đèo Ô Quý Hồ, đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Đây là trận mưa tuyết đầu tiên ghi nhận được ở hai địa phương trên trong mùa Đông năm 2021.
Theo chia sẻ của người dân, từ rạng sáng 11/1, tuyết rơi dày như mưa, phủ trắng nhiều mái nhà, vườn cây, đường đi… Tuyết rơi liên tục trong khoảng 6 giờ. Đặc biệt tại Y Tý, xuất hiện những lớp băng tuyết dày đến 15cm.
Mưa tuyết là dạng thời tiết vô cùng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời gây khó khăn cho việc di chuyển của các phương tiện giao thông, đặc biệt trên các cung đường miền núi khi tuyết đóng dày gây trơn trượt.
Dự báo mưa tuyết ở Y Tý và dãy núi Hoàng Liên Sơn sẽ tiếp tục rơi nhiều hơn và lan xuống trung tâm thị xã Sa Pa.
Tại Yên Bái, từ ngày 9-11/1, tại một số xã của huyện Trạm Tấu, đỉnh đèo Khau Phạ (huyện Mù Cang Chải) băng giá, sương muối và sương mù dày đặc đã xuất hiện. Các khu vực có xuất hiện băng giá, sương muối và sương mù chủ yếu thuộc các điểm độ cao trên 1.600m như Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Làng Nhì.
Từ sáng 11/1, đã có 256 trường với hơn 98.000 học sinh tại 43,5% số trường tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải phải nghỉ học do rét đậm, rét hại.
Tại Điện Biên, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, đặc biệt tại các huyện vùng cao, sáng 11/1, toàn tỉnh có 130 trường với gần 55.000 học sinh phải nghỉ học để tránh rét. Trời rét đậm, rét hại đã gây nên những tổn thất ban đầu đáng tiếc đối với chăn nuôi của người dân. Thống kê nhanh đến ngày 11/1, bốn xã Quài Tở, Tênh Phông, Pú Xi, Tỏa Tình của huyện Tuần Giáo đã có 7 con trâu, bò bị chết rét.
Trước tình hình rét đậm rét hại, trong ngày 11/1, học sinh tại 132 trường học ở tỉnh Lai Châu đã phải nghỉ học do rét đậm, rét hại.
Trong khi đó, thông tin từ Công ty Điện lực Sơn La cho biết từ ngày 10/1 đến nay, nhiệt độ ở các huyện vùng cao tỉnh Sơn La giảm mạnh, có nơi xuống 1 độ nên đã xuất hiện sương muối, băng giá và hiện tượng băng tuyết phủ kín cành cây, mặt đất gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình lưới điện.
Đặc biệt, băng giá đã đóng băng trên đường dây, sứ và trạm biến áp khiến trên 1.680 khách hàng của 27 trạm biến áp thuộc các xã Xím Vàng, Làng Chếu, Hang Chú, Tà Xùa, Háng Đồng (huyện Bắc Yên) bị gián đoạn việc cung cấp điện.
Ông Mùi Đức Huy, Phó Giám đốc Điện lực Phù Yên cho biết Điện lực huyện Phù Yên đã cô lập vùng sự cố và tiến hành kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sẵn sàng ứng phó sau khi băng tan để khắc phục các thiệt hại nhằm đảm bảo cấp điện trở lại phục vụ nhân dân và khách hàng sớm nhất có thể.
Vượt qua giá rét
Tại vùng trọng điểm giá rét ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu…, người dân đã phải dùng nhiều cách để vượt qua giá rét.
Người dân hạn chế đi ra đồng, lên nương rẫy mà quây quần trong nhà cùng gia đình. Ban ngày, việc đốt lửa được người dân coi là biện pháp hữu hiệu nhất.
Trên dọc tuyến Quốc lộ 12 nối thành phố Điện Biên Phủ với huyện Mường Chà, Quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, tại các xã vùng biên thuộc khu vực lòng chảo Mường Thanh, nhiều hộ dân đã đốt những đống củi to để sưởi ấm. Nhiều người đi xe máy trên các tuyến đường này cũng dừng lại để sưởi.
Tại các bản làng, người dân đốt những đống lửa trong sân, vườn để xua đi cái lạnh buốt giá. Người dân mua thêm chăn đệm, quần áo ấm, khăn quàng cổ, đóng chặt các cửa tránh gió lùa vào nhà.
Nằm ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) phải tìm mọi cách phòng chống rét và giữ ấm cho học sinh như thay đổi khung giờ học, cho nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp; mua thêm bạt để chắn gió; chủ động rà soát, kiểm tra, hỗ trợ sửa chữa kịp thời những phòng học, phòng ăn, phòng ở hư hỏng và hạn chế tổ chức hoạt động vui chơi ngoài trời, tăng thêm khẩu phần ăn với học sinh bán trú.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, rét đậm, rét hại còn duy trì ở vùng núi Bắc Bộ đến ngày 17/1. Bởi vậy, người dân cần tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với giá rét.
Các trường học tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên chủ động phòng chống rét, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; đặc biệt lưu ý cho học sinh nhỏ tuổi mặc đủ ấm, hạn chế ra trời lạnh.
Ở vùng núi cao, người dân nên lùa đàn gia súc, gia cầm xuống vùng thấp hơn hoặc sang vùng có nhiệt độ cao hơn để tránh rét.
Mỗi ngày, những điểm có tuyết tại Lạng Sơn, Lào Cai… đều có hàng nghìn người đổ về. Để đảm bảo an toàn giao thông và tránh những tai nạn giao thông đáng tiếc, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) khuyến cáo du khách đi ngắm băng tuyết cần hết sức cẩn thận do thời tiết xấu, đường đóng băng, trơn trượt, sương mù dày đặc. Đặc biệt, du khách nên hạn chế và có thể ngừng lưu thông khi đường đóng băng, trơn trượt, do hệ thống an toàn của xe, nhất là lốp xe tại Việt Nam không phù hợp khi di chuyển trên đường đóng băng.
Nếu phải lưu thông khi trời băng tuyết, người điều khiển phương tiện cần thận trọng, chú ý quan sát, điều khiển xe tốc độ chậm ngay cả khi lên và xuống dốc, sử dụng đèn pha, đèn sương mù, đèn gầm khi di chuyển, chú ý các đường cong cua, đèo dốc; đồng thời, tuyệt đối tuân thủ hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông./.