BVR&MT – Nguồn nước ngầm ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm, chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng bởi các tạp chất do hoạt động công nghiệp, chăn nuôi.
Trước tình trạng tài nguyên nước đang chịu nhiều tác động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó đặc biệt chú trọng đến nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, sự gia tăng ngày càng lớn các hoạt động sử dụng nước cùng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Suy giảm nguồn nước ngầm
Xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, có nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại. Nhưng trái ngược với cảnh đó, người dân ở đây đang hằng ngày phải sử dụng nguồn nước giếng khoan để ăn uống và sinh hoạt.
Nhà nào cũng phải xây một bể lọc sử dụng tới lớp lọc xốp, đá cuội, cát gạch, rồi lại một lần xốp trên, nhưng sau khi lọc nước vẫn không đảm bảo.
Ông Vũ Mạnh Hùng, xã Tân Minh, cho biết giếng khoan bị ô nhiễm rất nhiều, gần 100 hộ phải bơm thẳng lên téc chứa nước, cứ 15-20 ngày phải thay rửa téc vì rất bẩn. Nhà dân nào có điều kiện thì xây bể lọc, 1-2 tháng phải thay lọc 1 lần, qua lọc rồi khi nước xuống bể vẫn có mùi tanh, để lâu có vẩn cát, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chưa có nước sạch, người dân đành tìm mọi cách tự khắc phục, nhưng không chỉ ô nhiễm, mà nguồn nước ngầm ở đây còn đang dần suy giảm. Các hộ dân càng ngày càng phải khoan sâu hơn.
Nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm, trong đó tỷ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn.
Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Minh, cho rằng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng của thời tiết, nhà máy, chăn nuôi trên địa bàn nên nguồn nước giếng truyền thống ảnh hưởng bởi các tạp chất từ kim loại, nước thải sinh hoạt chăn nuôi, hệ thống nước thải từ các nhà máy trên địa bàn.
Nước không phải vô tận, kể cả nước ngầm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức: nước thải, rác thải ô nhiễm thẩm thấu xuống mạch nước, việc khai thác quá mức dẫn đến suy kiệt, nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng sụt lún.
Năm 2021, gần 21.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng của thiên tai.
Cùng với đó, hạn hán còn gây sạt lở, sụt lún tại 1.300 điểm với chiều dài hơn 42km đường giao thông trên địa bàn tỉnh; 43.583ha rừng bị khô hạn với nguy cơ cháy rừng cấp 5, cấp báo động cao nhất.
Phần lớn người dân tại địa phương này đã tự khoan giếng do nhu cầu khó khăn về nước sạch. Tuy nhiên, nhiều vùng không sử dụng được vì nước bị nhiễm bẩn, phèn mặn… Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm có nguy cơ gây sụt lún đất, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Tỉnh Cà Mau hiện có 244 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong số đó, nhiều công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững và tương đối bền vững có quy mô tương đối lớn; tập trung chủ yếu tại các khu vực dân cư tương đối đông đúc.
Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 218.000 hộ/232.000 hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (đạt hơn 94%). Trong số đó, có 41.400 hộ (đạt 18%) được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung và có 176.500 hộ (khoảng 76%) hộ sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ.
Bà Đỗ Thị Muội, người dân ấp Tân Ninh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ:“Hằng năm ở khu vực này thường thiếu nước vào mùa khô, Nhà nước đã hỗ trợ nước sạch cho những người dân ở đây. Riêng tôi mỗi ngày lấy 2-30 lít về để phục vụ sinh hoạt của gia đình.”
Ngay từ đầu mùa khô 2021-2022, Tiền Giang đã triển khai các phương án phòng, chống hạn-mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống tại các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phía Tây…
Đặc biệt, tỉnh đầu tư gần 38 tỷ đồng thi công các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán diện rộng và xâm nhập mặn có khả năng lấn sâu vào thượng nguồn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Các công trình này giúp bảo vệ trên 74.000ha đất trồng cây ăn quả chuyên canh tại các huyện, thị vùng dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, trên 49.000ha đất canh tác lúa trong vụ Đông Xuân 2021-2022 và trên 2.800ha rau màu chuyên canh.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng triển khai đồng bộ những giải pháp cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân những địa bàn khó khăn, ngoài đê, ven biển, không để người dân phải thiếu nước trong mùa khô như các năm trước.
Đối với vùng ven biển, đặc biệt là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi mà nước dưới đất được sử dụng chính cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Mật độ công trình khai thác nước dưới đất ở Vĩnh Châu cao (12.257 giếng, 26 giếng/km2); gia tăng dân số và phát triển kinh tế-xã hội, các khu công nghiệp và nông nghiệp xây dựng ngày càng nhiều, chế độ khí tượng thủy văn cũng như quá trình xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu-nước biển dâng diễn biến phức tạp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước khoảng 57% các doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, tổng công suất khai thác của cả khu vực doanh nghiệp và dân cư đạt khoảng 600 ngàn m3/ngày.
Còn tại thủ đô Hà Nội, ước tính nguồn nước ngầm chiếm khoảng 70% nhu cầu của thành phố bao gồm cho cả hoạt động kinh doanh sản xuất và sinh hoạt của người dân, khoảng 1,3 triệu m3/ngày.
Có thể thấy bên cạnh việc thiếu nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cũng sẽ phải đối mặt với việc thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sinh kế, nếu chúng ta không sử dụng nước hiệu quả ngay từ bây giờ.
Triển khai nhiều biện pháp cấp bách
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau), cho biết việc khai thác nước ngầm có nguy cơ gây sụt lún đất, cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, giảm sự ô nhiễm, Cà Mau triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, cấp bách, trong đó tỉnh sẽ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện mang tính kết nối, chia sẻ nguồn nước, đảm bảo hiệu quả, bền vững, việc cấp nước phục vụ nhân dân, giảm lượng nước khai thác quỹ đất.
Để chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô 2021-2022, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị cùng phương án ứng phó với hạn mặn. Ngoài việc bảo vệ sản xuất, vấn đề cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các huyện phía Đông cũng được quan tâm.
Đến thời điểm hiện nay, tỉnh cũng đã triển khai đắp đập Nguyễn Tấn Thành ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền vào để đảm bảo nguồn nước cho 2 tỉnh Tiền Giang, Long An và bảo đảm cấp nước cho 800 ngàn người dân ở thành phố Mỹ Tho và các huyện phía Đông.
Ngoài việc đắp đập, ngăn mặn, trữ ngọt, tỉnh đã vận hành các giếng dự phòng để cấp nước cho nhà máy nước Đồng Tâm cũng như nhà máy nước Bình Đức, đem nguồn nước về cho các huyện phía Đông. Đồng thời, tỉnh cũng mở thêm các vòi nước công cộng để người dân ở ven sông, kênh rạch chưa có nguồn nước đến lấy nước về sinh hoạt.
Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng giải pháp tích hợp theo hướng tiếp cận liên kết vùng.
Trước mắt, vùng khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tổng thể trên cơ sở rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương đã có, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước, giao thông thủy, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ: Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đảm bảo nguồn nước cho vùng thiếu nước, xâm nhập mặn, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, trước hết các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cần hạn chế khai thác lưu lượng nước dưới đất quá lớn tại các khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn (ít nhất giảm việc khai thác khoảng 1% cho mỗi năm).
Các khu vực ven biển nên có quy hoạch khu vực khai thác nước an toàn đối với mỗi lưu lượng khai thác nước nhằm hạn chế dịch chuyển ranh giới mặn nhạt và giảm tốc độ xâm nhập mặn.
Đồng thời, các vùng cần điều tra quy hoạch khai thác theo các chiến lược cụ thể trong từng thời điểm khác nhau, phổ biến quy hoạch khai thác nước dưới đất tới người dân, sao cho hiệu quả công tác quy hoạch được thực hiện tốt nhất.
Cùng với đó, các vùng cần thực hiện giải pháp tăng cường quản lý giếng nước ngầm chỉ làm giảm tốc độ sụt lún chứ không ngăn hoàn toàn hiện tượng lún.
Ngoài biện pháp lưu trữ nước ngọt, tiết kiệm sử dụng nước và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, có thể áp dụng kỹ thuật bổ cập nước ngầm nhân tạo bằng cách bơm nén nguồn nước ngọt từ nước mưa, nước lũ, nước sông sạch xuống các vỉa nước dưới đất để dần dần phục hồi trữ lượng như trước đây./.