BVR&MT – Một số loại gỗ quý, hiếm được coi như vàng, dùng chế tạo các sản phẩm nội thất với độ bền cao, giá trị thẩm mỹ lớn, có mùi hương đặc trưng. Song, những loại gỗ này gần như tuyệt chủng do bị khai thác quá mức.
Ngọc am có tên khoa học là Cupressus funebris, thuộc nhóm 1A trong danh mục phân loại thực vật quý hiếm. Đây là loài cây thân gỗ thơm ngát, lá kim được các nhà thực vật xếp vào họ hoàng đàn.
Gỗ ngọc am khá cứng, thớ gỗ mịn, có màu vàng rực rỡ, mùi thơm dễ chịu, lưu hương lại lâu. Với độ bền và tính thẩm mỹ cao, gỗ ngọc am được chế biến thành các sản phẩm nội thất và được nhiều người ưa chuộng.
Ngọc am có hai 2 loại và vàng và đỏ, trong đó màu đỏ có mùi thơm đậm hơn. Ngọc am có đặc tính càng già càng thơm, phần gốc thơm hơn phần ngọn, vùi càng lâu dưới đất càng thơm. Gỗ ngọc am có hàm lượng tinh dầu cao được chiết xuất dùng làm mỹ phẩm và dược phẩm.
Dân gian lưu truyền, gỗ ngọc am có tác dụng chữa bệnh, tắm bằng bồn gỗ ngọc am giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo…
Một công dụng khác khiến ngọc am được các đại gia ráo riết săn tìm bởi nó là một biểu tượng tâm linh. Các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu… được làm bằng gỗ ngọc am có tác dụng được cho rằng có thể đuổi tà khí, đón rước thịnh vượng về nhà, khi xưa chỉ bậc đế vương mới dám dùng.
Liên quan đến loại gỗ quý như ngọc này, Trí Thức Trẻ thông tin, mới đây, một người đàn ông Trung Quốc tình cờ tìm thấy một ‘khúc gỗ khô’ dưới sông. Sau khi mang về, thấy khúc gỗ hơi cứng và có tiếng kêu giòn khi gõ vào, người này đã chụp ảnh đăng lên mạng. Mọi người bảo đây là cây ngọc bích. Sau đó, người này liền mang khúc gỗ tới chuyên gia để thẩm định và được biết đây là một loại gỗ ngọc am – một báu vật thiên nhiên ban tặng, có giá trị lên đến hàng chục triệu nhân dân tệ (NDT).
Vẻ đẹp của gỗ ngọc am nằm ở hình dạng của nó “là gỗ mà không giống gỗ, giống như ngọc bích mà không phải ngọc bích”. Sự hình thành của gỗ ngọc am phải mất hàng nghìn năm.
Vì sự quý hiếm nên ngọc am rất đắt đỏ, khởi điểm từ khoảng vài nghìn lên đến vài triệu NDT, đặc biệt có khối ngọc am được bán với giá 12,9 triệu NDT (tương đương hơn 46 tỷ đồng).
Ở Việt Nam, năm 2017, một khối gỗ ngọc am hóa thạch, có màu nâu và còn nguyên thớ gỗ được tìm thấy dưới đáy sông Cầu (Thái Nguyên) khiến dư luận xôn xao. Người sở hữu khối gỗ quý giá này là anh Vũ Đức Duân (thôn Xuân Đám, xã Đồng Liên, huyện Phú Bình.
Anh Duân cho báo giới biết, điều kỳ lạ là khối gỗ hóa thạch này khi đưa vào bóng tối nó chuyển thành màu đen, nhưng khi đem ra ánh sáng, một lúc sau lại chuyển thành màu vàng óng. Có người trả giá đến trăm triệu đồng nhưng chủ nhân khối gỗ quý này không bán.
Trầm hương
Trầm hương được mệnh danh là “gỗ của các vị thần”. Gỗ trầm hương được liệt kê vào danh mục nhóm một các loại gỗ quý hiếm của Việt Nam.
Theo những người am tường về trầm thì trầm hương được tích tụ nhiều nhất ở khu vực viết thương của cây bầu dó. Khi thân cây bầu dó bị tổn thương, cây sẽ tiết ra một loại nhựa để tự chữa lành. Theo thời gian, phần gỗ bị tổn thương được tích tụ dầu và trở thành một loại gỗ quý tỏa ra mùi hương thơm phức. Đó chính là kỳ nam, hay còn gọi là trầm hương.
Trầm hương có vị đắng, trọng lượng nhẹ, có thể nổi trên nước. Khi đốt trầm cho mùi hương nhẹ, khói trầm kết xoáy, tan nhanh trong không khí.
Trầm hương được đánh giá là một trong những vật phẩm quý giá bởi mùi hương tự nhiên, mộc mạc, linh thiêng và quý phái. Nhờ hương thơm đặc biệt nên trầm hương được sử dụng để làm hương tinh dầu và nước hoa.
Loại trầm hương cao cấp có thể đạt hàm lượng dầu 60-80%. Đây là một trong những nguyên liệu thô đắt nhất trên thế giới. Trầm hương được chưng cất thành tinh dầu, có thể có giá lên đến 80.000 USD/lít, được mệnh danh là “vàng lỏng”.
Trầm hương đã trở thành một thành phần phổ biến trong một số loại nước hoa đắt tiền. Trầm hương loại hảo hạng có thể có giá tới 100.000 USD/kg (hơn 2,3 tỷ đồng).
Nhiều người sưu tầm trầm hương tiền tỷ. Khối trầm hương “hắc kỳ” của anh Nguyễn Văn Lợi ở Đông Anh, Hà Nội có trọng lượng hơn 3kg, gồm 1 tượng phật bà Quan âm cùng 3 thanh Kỳ nam đã hóa thạch. Báo Dân Việt cho hay, từng có khách trả giá tới hàng chục triệu USD/kg, nhưng chủ nhân của khối trầm không bán. Còn trong showroom của một đại gia tại quận Thanh Xuân – Hà Nội, có những khối trầm trị giá lên đến cả triệu USD.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông vua trầm đất Bắc, không phải cứ có tiền và muốn mua là được trầm hương mà còn phải có duyên.
Gỗ sưa
Từ xưa, người Trung Quốc rất chuộng gỗ sưa. Người ta quan niệm rằng, gia đình dù giàu có đến mấy, cuộc sống có vương giả đến mấy mà trong nhà không có vật dụng làm bằng gỗ sưa thì cũng chưa đạt đến đẳng cấp thượng lưu.
Tại Việt Nam, gỗ sưa được ví như vàng, nằm trong nhóm 1A – nhóm gỗ cực kỳ quý hiếm. Gỗ sưa gồm hai loại chính là gỗ sưa đỏ và gỗ sưa trắng. Trong đó, sưa đỏ có giá trị cao hơn nhờ màu gỗ và hương thơm. Gỗ sưa đỏ có vân bốn mặt, mùi thơm thoảng như hương trầm. Còn sưa trắng chỉ có vân hai mặt và cũng không có mùi thơm.
Gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát lại không bay mùi hương, đặt ngoài nắng cũng không hề co nứt. Khi dùng làm điêu khắc, gỗ sưa có màu sắc đẹp, chịu va đập, cào xước tốt, đường vân như mây bay nước chảy, đại đa số có đường gân đen.
Gỗ sưa đỏ là nguyên liệu quý hiếm cho đồ gia dụng. Nó được dùng làm nội thất trang trí cao cấp như: bàn ghế thờ cúng, tượng phật, thần tài, tay vịn cầu thang, lộc bình…
Ông Nguyễn Văn Hùy, đại gia gỗ ở Đồng Kị, cho biết, vào thời kỳ gây “sốt”, 1 kg gỗ sưa trên thị trường có thể được trả giá 30 triệu đồng. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên có giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí có cây cổ thụ được trả giá cả trăm tỷ đồng.
Những năm gần đây, cơn sốt gỗ sưa ở Việt Nam không ngừng tăng nhiệt, các thương lái Trung Quốc lùng sục khắp nơi để tìm mua loại gỗ này. Hiện những cây gỗ sưa cổ thụ mọc trên rừng, trong tự nhiên còn rất ít, chỉ một số lượng ít ỏi còn sót lại trong các đình làng, miếu mạo và luôn được trông giữ cẩn thận.