BVR&MT – Mùa xuân cũng là mùa của những lễ hội lớn trải dài từ Bắc vào Nam. Dưới đây, là những lễ hội đầu xuân nổi tiếng và đặc sắc ở Việt Nam.
Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng ở miền Bắc
Lễ hội chùa Hương (Kéo dài từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 Âm lịch): Là lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất ở Việt Nam, lễ hội chùa Hương (thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) kéo dài từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 Âm lịch. Chùa Hương là tập hợp nhiều động, chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp với thiên nhiên nhân tạo bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng và chùa, tháp…
Du lịch chùa Hương, để vào được chùa trước hết du khách phải ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng, hòa mình cùng làn nước trong xanh. Trên đường đi thuyền vào chùa bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của núi non, sông nước. Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng là những địa điểm không thể bỏ qua được khi tới chùa Hương.
Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh (Từ mùng 10 tháng giêng): Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch) người dân lại nô nức về Quảng Ninh để trẩy hội Yên Tử. Chùa ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Để leo lên núi Yên Tử du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc cáp treo, du lịch Yên Tử mùa lễ hội không nên bỏ qua những địa điểm như: Chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa một mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan…
Lễ hội khai ấn Đền Trần – Nam Định (Từ 13 – 15 tháng Giêng): Là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng ở Việt Nam, lễ hội khai ấn Đền Trần, Nam Định được tổ chức từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần.
Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ ấn và mong ước được thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động lễ hội truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người…để phục vụ du khách tham quan.
Hội Lim – Bắc Ninh (Từ ngày 12 – 14 tháng giêng): Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12 – 14 tháng giêng du khách bốn phương nô nức về huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để trẩy hội Lim – một trong những lễ hội độc đáo ở miền Bắc. Đây là lễ hội lớn vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hát quan họ trên thuyền. Ngoài ra, trong ngày lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người…
Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 5 đến 10/3 Âm lịch hàng năm): Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng không nên bỏ qua, được tổ chức kéo dài 6 ngày từ ngày mùng 5 đến ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội là dịp tưởng nhớ lòng biết ơn công lao to lớn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Nghi lễ bao gồm hai phần chính là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như hát xoan, thi đấu vật, thi bơi, thi kéo co…
Những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung
Lễ hội Đống Đa (Bình Định) – Ngày 4-5 tháng Giêng: Lễ hội Đống Đa (Bình Định) là dịp để tưởng nhớ công ơn các thủ lĩnh trong phong trào Tây Sơn, đặc biệt là anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4-5 tháng Giêng, tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
Đây là một trong những lễ hội nổi tiếng ở miền Trung, bên cạnh những nghi lễ truyền thống còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như trống trận Tây Sơn, võ thuật, trò chơi dân gian, đua thuyền, hát tuồng…. Tham dự lễ hội du khách như được sống lại một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với tinh thần thượng võ của người dân Bình Định.
Lễ hội làng Sình (Huế) – Từ ngày 9 – 10 tháng Giêng: Lễ hội đầu năm ở miền Trung này được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại khu vực đình làng Lại Ân còn gọi là làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân nơi đây. Tại lễ hội những đô vật sẽ thi đấu theo hình thức vòng tròn.
Lễ hội cầu Ngư – Ngày 12 tháng Giêng (Huế): Lễ hội cầu Ngư được tổ chức tại làng Thái Dương Hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ các vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công, người Thanh Hóa đã có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Lễ hội mùa xuân đặc sắc ở miền Nam
Lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh (Mùng 4 Tết): Được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất tại khu vực phía Nam, là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam diễn ra từ mùng 4 Tết. Hàng năm từ chiều 30 Tết nguyên Đán đến suốt tháng Giêng, tháng hai âm lịch, đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng du khách đổ về hành hương, lễ bái và tham quan rất đông tại núi Bà Đen.
Trên đường leo núi du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần. Du khách trẩy hội Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.
Lễ hội Bà Chúa Xứ – An Giang: Lễ hội Bà Chúa Xứ là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế), thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Đây là dịp để tỏ lòng thành kính và biết ơn Bà Chúa Xứ, vị thần được suy tôn là bà mẹ của xứ sở Châu Đốc.
Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế. Bên cạnh các nghi lễ còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian cũng được biểu diễn như múa mâm thao, múa đĩa chén, múa lân…
Phượng Long (tổng hợp)