BVR&MT – Sau gần 2 năm thực hiện, Dự án REDD+ đã mang lại cho xã vùng biên Tả Ngải Chồ của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai những đổi thay tích cực. Các mô hình sinh kế đã dần đi vào ổn định và bước đầu mang lại nguồn lợi cho cộng đồng thôn bản địa phương.
Vừa qua, Nhóm chuyên gia VIFA đã có chuyến công tác tại xã Tả Ngải Chồ nhằm đánh những kết quả đạt được của Dự án REDD+ trong quý III năm 2016.
Theo đó các mô hình sinh kế của Dự án nhằm hỗ trợ cộng đồng thôn bản đều được triển khai một cách tích cực và mang lại những kết quả tương đối khả quan. Cụ thể:
Mô hình nuôi gà: Đến thời điểm hiện tại gà còn 199 con, số lượng giảm do gà đẻ trứng kém nên các hộ mổ thịt và chết không xác định bệnh. Qua kiểm tra và ấp thử trứng gà không đảm bảo chất lượng do gà đẻ trứng rải rác, dính nước mưa, số lượng ít… Đã bàn bạc và thống nhất với Ban thực thi KHBVPTR xã nhất trí phương án thu hồi trứng sang thu hồi tiền (tương ứng với trứng) để mua trứng ở những cơ sở chuyên chăn nuôi giống gia cầm về ấp.
Hiện nay cán bộ tổ chức kế hoạch thôn Thàng Chư Pến và nhóm chuyên gia đang đôn đốc các hộ thực hiện.
Mô hình nuôi lợn nái: Đàn lợn khoẻ mạnh, ăn tốt, không có dịch bệnh xảy ra, trọng lượng từ 60 – 80 kg/con, các hộ đều nuôi nhốt trong chuồng. Đến nay, trong số các hộ tham gia nuôi lợn đã có 2 con đẻ lứa đầu (hộ Ô Vừ lợn đẻ 5 con nhưng chết 3 con, đủ tiêu chuẩn chuyển sang hộ khác nuôi, hộ Ô Sèo lợn đẻ 5 con đều sống, đủ tiêu chuẩn trả cộng đồng 1 con giống), và 3 con đang chửa.
Qua kiểm tra cho thấy các hộ nuôi đều chăm sóc tót, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, đối với lợn con, lợn chửa đều có tiêm phòng định kỳ của cơ quan thú y.
Mô hình trồng hồi: Kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của cây hồi từ tháng 7 tới tháng 9 cho thấy cây sinh trưởng ổn định, cao khoẳng 50 cm, nhưng chưa được chăm sóc tốt, cỏ dại mọc lấn át hồi. Gia đình nào có cây bị chết thì cho đăng kí trồng dặm.
Mô hình trồng ngô: Kết quả theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển mô hình ngô nhìn chung là tốt, sản lượng thu được khoảng 11,6 tấn, năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha.
Mô hình Máy ấp trứng: Máy ấp trứng được giao cho gia đình ông Sà, thôn Thàng Chư Pến quản lý. Để vạn hành được máy ấp trwngsgia đình đã phải kéo đường điện riêng và mua một máy phát điện do nguồn cung cấp điện tại địa phương không ổn định. Cho tới thời điểm hiện tại máy ấp trứng đã chạy thử 2 mẻ, tỉ lệ thành công đạt 85%. Gia đình ông Sà đề nghị dự án xem xét hỗ trợ tiền để mua máy phát điện phục vụ ấp trứng.
Quỹ phát triển sinh kế: Qua quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện tham gia quỹ quay vòng để phát triển sinh kế cho thấy các hộ được vay đều sử dụng quỹ đúng mục đích. Do dự án mới giải ngân nên chưa đến hạn thu hồi vốn.
Việc thực hiện kế hoạch BV&PTR: Năm 2016 các thôn bản đã trồng được 20 ha cây sa mộc và xoan tập trung, dự kiến đến 15/12/2016 sẽ hoàn thành khối lượng 20 ha và 230 kg hạt trầu tương đương 10 ha. Bên cạnh đó, trong thời gian tới Dự án cũng sẽ triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây dược liệu với diện tích khoảng 500 m2.
Về cây ăn quả, Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương đang có kế hoạch trồng 10 ha cây quýt ngọt tại địa phương. Ngoài ra, UBND xã Tả Ngải Chồ cũng đang trình lên cấp huyện về dự án trồng và chế biến cây dong riềng với kinh phí từ nguồn vốn 30A vào kế hoạch năm 2017.