BVR&MT – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt tài liệu “Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng: 2024”. Đây là tài liệu thường niên, được phát triển từ năm 2016 nhằm đánh giá và xác định những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, góp phần bảo vệ các quần thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và từng bước xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu.
Theo đó, trong năm 2024 này, ENV đã xác định 12 vấn đề trọng tâm cần tập trung xử lý.
12 hành động cấp bách được ENV đánh giá và xác định trong năm 2024 bao gồm:
1. Xóa bỏ các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia quy mô lớn và nghiêm trị những đối tượng cầm đầu
2. Điều tra chuyên sâu các vụ vận chuyển ĐVHD trái phép quy mô lớn tại khu vực cảng để xác định, bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng có liên quan
3. Xóa bỏ nạn tham nhũng
4. Nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm về ĐVHD
5. Ban hành danh mục các loài ĐVHD được phép nuôi thương mại tại Việt Nam để giải quyết tình trạng nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp
6. Xây dựng khung pháp lý thống nhất để quản lý các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và các cơ sở nuôi ĐVHD không vì mục đích thương mại
7. Xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán trái phép hổ tại Việt Nam, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Nghệ An
8. Tăng cường đấu tranh với vi phạm về ĐVHD trên Internet
9. Chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam và đóng cửa toàn bộ các trại gấu tư nhân ở thủ đô Hà Nội
10. Ngăn chặn sự du nhập và phát triển của các sinh vật cảnh ngoại lai
11. Từng bước loại bỏ tình trạng buôn bán trái phép các loài chim hoang dã
12. Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD thông qua các chiến dịch tuyên truyền do các cơ quan nhà nước thực hiện qua các phương tiện truyền hình, truyền thanh, truyền thông và Internet.
Bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực và bước tiến đáng kể của Việt Nam trong công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm về ĐVHD cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ ĐVHD, ENV đồng thời xác định nhiều thách thức lớn vẫn còn tồn tại như việc xóa bỏ triệt để các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia và trừng trị những đối tượng cầm đầu. Cụ thể, theo Cơ sở dữ liệu của ENV ghi nhận từ năm 2017 đến nay, mới chỉ có 5 trên tổng số khoảng 20 đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia có quy mô lớn bị bắt giữ và xử lý. Trong nhiều vụ án thu giữ hàng tấn ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm tại khu vực cảng, không có đối tượng nào bị đưa ra xét xử hoặc đối tượng bị xử lý chỉ đóng vai trò thứ yếu trong hoạt động vận chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép. Những vấn đề này đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật ở Trung ương và địa phương cần tập trung nhiều nguồn lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và sử dụng các phương pháp, cách thức phù hợp để điều tra, xử lý các vụ việc buôn bán, vận chuyển ĐVHD lớn, đặc biệt tại khu vực cảng cũng như phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng cầm đầu để triệt phá hoàn toàn những đường dây buôn bán ĐVHD lớn đang làm giàu bất chính từ đa dạng sinh học nước nhà.
Bên cạnh đó, ENV tiếp tục đề xuất ban hành danh mục các loài động vật hoang dã được phép nuôi thương mại tại Việt Nam như một giải pháp cấp thiết trước mắt để giải quyết tình trạng nhập lậu và hợp pháp hóa ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp. Một vấn đề “nhức nhối” khác cũng được ENV đề xuất là việc ngăn chặn sự du nhập và phát triển của các sinh vật cảnh ngoại lai. Chỉ riêng năm 2023, ENV đã ghi nhận hơn 316 vụ vi phạm với khoảng 19.320 cá thể ĐVHD ngoại lai bị buôn bán hoặc nuôi nhốt. Việc buôn bán trái phép các loài ngoại lai là mối đe dọa tiềm ẩn với đa dạng sinh học và sức khỏe con người nên đòi hỏi cơ quan chức năng cần ưu tiên quan tâm xử lý
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta đang phải đối diện với không ít những khó khăn trong nỗ lực ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài ĐVHD tại Việt Nam và trên thế giới. Tất cả các hành động được liệt kê trong tài liệu đều mang tính khẩn cấp và đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chức năng để có thể giải quyết triệt để. ENV đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung điều tra, bắt giữ và xử lý các đối tượng cầm đầu những đường dây buôn bán ĐVHD lớn cũng như việc ban hành một danh mục loài ĐVHD được phép nuôi thương mại để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ ĐVHD và làm chậm lại quá trình suy giảm sự đa dạng sinh học tại Việt Nam,” bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều loài ĐVHD đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16) vừa được tổ chức vào cuối tháng 10 năm nay tiếp tục hướng đến mục tiêu giải quyết sự suy giảm nghiêm trọng về đa dạng sinh học toàn cầu. Việt Nam là một thành viên tham gia công ước về đa dạng sinh học từ năm 1994 và đã luôn thể hiện trách nhiệm đối với quốc tế trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tại Hội nghị, phái đoàn Việt Nam đã tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như các nguy cơ từ loài ngoại lai xâm hại và nhiều vấn đề nhức nhối khác.
“Việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào năm 2022 là một cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để thực hiện các mục tiêu bảo tồn loài. Cùng đóng góp vào nỗ lực chung này, chúng tôi hy vọng tài liệu Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng sẽ có giá trị tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thực thi pháp luật. Với định hướng và sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước, ENV tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu và từ đó thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế cũng như bảo vệ tốt nhất các quần thể ĐVHD đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.” bà Hà kết luận.
Sơn Tinh