Những dự án giao thông lớn sẽ khởi công trong năm 2023

BVR&MT – Năm 2023 ngoài việc khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021-2025), còn có thêm hàng loạt dự án giao thông lớn khác được xây dựng.

Dự án đường Vành đai 4 Hà Nội

Dự án đường vành đai 4 dài 112,8km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án 85.800 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương và địa phương là 41.860 tỷ đồng.

Mục tiêu khởi công đường Vành đai 4 trong tháng 6/2023, hoàn thành cơ bản trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Dự án có chiều dài 76km, tổng vốn hơn 75 nghìn tỷ đồng, được chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, dự kiến khởi công tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.

Vành đai 3 TP.HCM được xem là tuyến đường chiến lược. Ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu qua tỉnh Hoà Bình

Dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu qua địa bàn tỉnh Hòa Bình dài 34km, được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, dự án được thiết kế, xây dựng có bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 7m, quy mô 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Những đoạn tuyến có địa hình khó khăn, tốc độ thiết kế 60km/h.

Giai đoạn hoàn thiện, dự án sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc có quy mô bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường với 4 làn xe.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án khoảng 9.777 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025.

Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu qua tỉnh Sơn La

Đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La có tổng chiều dài 31,6km, được đầu tư với quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 4 làn xe cơ giới trên toàn tuyến, tốc độ thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường 22m.

Hàng loạt dự án giao thông đường bộ trọng điểm trên cả nước có thể khởi công năm 2023

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 7m (2 làn xe). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.790 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 1.990 tỷ đồng.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, tổng chiều dài hơn 121,06 km. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93,55km (từ Km0+00-Km93+350), giai đoạn 2 đầu tư tiếp gần 28km còn lại (Km93+350-Km121+060).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh khoảng 22.691 tỷ đồng, trong đó vốn giai đoạn 1 là 13.174 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 9.516 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự án dự kiến từ năm 2020 – 2025. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 23 năm (2026 – 2049). Giai đoạn 2 được đầu tư sau năm 2025.

Cao tốc Hòa Liên – Túy Loan

Bộ GTVT đã phê duyệt dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên -Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (TP Đà Nẵng) có tổng chiều dài 11,5km dự toán gần 2.113 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2025.

Dự án sẽ được đầu tư với quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 80 km/h, giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 22m, bề rộng mặt đường 14m.

Cao tốc Hữu Nghị – Lạng Sơn

Dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng có tổng chiều dài khoảng 60,18km, gồm 2 đoạn. Trong đó, đoạn tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng có chiều dài khoảng 43km. Đoạn kết nối từ tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam có chiều dài 17,18km.

Tổng mức đầu tư khoảng hơn 10.471 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cao tốc An Hữu – Cao Lãnh

Dự án có chiều dài tuyến khoảng 27,43km, được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 5.886 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.

Thời gian thực hiện công trình là từ năm 2022 đến hết năm 2027.

Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú

Tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài 60,1km được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 100 km/h.

Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, phân kỳ đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m.

Dự án được thực hiện bằng hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 8.365 tỷ đồng. Dự kiến thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc

Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài khoảng 66km, được đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 6.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư 1.605 tỷ đồng; và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.

Dự án được đầu tư xây theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h.

Trong giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có nền đường rộng 17m với 4 làn xe, bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp không liên tục với khoảng cách 4-5 km/vị trí. Giai đoạn phân kỳ sẽ thực hiện đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026.

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương

Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài gần 74km, được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, tốc độ 100km/h.

Giai đoạn phân kỳ giai đoạn 1, dự án sẽ được đầu tư với bề rộng nền đường 17m, tốc độ khai thác 80 km/h. Tại các vị trí nút giao liên thông thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. Điểm dừng xe khẩn cấp được bố trí khoảng 4 – 5 km/vị trí trên cùng chiều xe chạy.

Trên cơ sở phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 19.521 tỷ đồng với cơ cấu gồm: nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 7.761 tỷ đồng (chiếm khoảng 39,76% tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1).

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

Dự án giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 188,2km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe ô tô cao tốc, giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe phân kỳ.

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được chia thành 4 dự án thành phần. Tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.