Những chủ trương đi vào lòng dân

BVR&MT – Nhiều chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tại Cà Mau đã đi vào cuộc sống khá tự nhiên, khắc phục những tồn tại trong thực tiễn, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn. So với thời điểm năm 2014, thu nhập đầu người trên địa bàn huyện Ðầm Dơi tính đến cuối năm 2023 tăng từ 29 triệu đồng lên 58 triệu đồng; từ hơn 3.300 hộ nghèo giảm còn 961 hộ…

Ðảng viên Bùi Hùng Cường tranh thủ giờ nghỉ chăm sóc khu vườn với nhiều loại rau màu, cây ăn trái hệ nước ngọt.

Khuyến khích dân “vùng mặn” trồng rau

Ðưa chúng tôi tham quan khu vườn sau nhà, lão nông Trần Văn Cần (ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi) cho hay, sau hơn chục năm bồi trúc, đến nay đã phát triển được khu vườn nước ngọt rộng hơn 3.000 m2, trồng khá nhiều loại rau màu, cây ăn trái.

Giữa khu vườn là ao cá nước ngọt với ba loại chủ lực: Cá tra, thác lác và cá rô. “Ý định ban đầu lập vườn để có cái phục vụ thêm bữa ăn cho gia đình, nhưng rau, cá nhiều quá, bà con trong xóm hỏi cho nên tôi bán để có thêm thu nhập. Mỗi năm tôi kiếm thêm được từ 20 đến 30 triệu đồng”, ông Cần khoe.

Tại vùng nước mặn chuyên nuôi tôm của xã Tân Duyệt, đến nay, phần lớn hộ dân đều có khu vực riêng để trồng rau xanh. Toàn xã có hơn 3.600 hộ dân thì hiện tại hơn 60% số hộ có vườn rau, ao cá nước ngọt tại nhà. Trong đó, 100% hộ đoàn thể có vườn trồng rau và khoảng 75% trong số đó có cả vườn rau và ao nuôi cá nước ngọt.

Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tân Duyệt Hồ Kim Muội, nguồn rau, cá nước ngọt không chỉ phục vụ thêm cho bữa ăn mà rất nhiều nông hộ còn có dư để bán, giúp cải thiện và tăng thêm thu nhập. Tăng gia sản xuất giúp nhân dân địa phương thêm phần tích lũy. Cũng nhờ cách làm này mà cuối năm 2023 vừa qua, Tân Duyệt hoàn thiện tiêu chí thu nhập, được công nhận xã nông thôn mới. Hiện toàn xã còn dưới 2% hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 15 hộ, trong khi hộ thuộc diện khá, giàu chiếm đến hơn 70%.

Lập vườn trồng rau, nuôi cá nước ngọt được đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện Ðầm Dơi thực hiện trong khoảng 10 năm gần đây, xuất phát từ Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 4/4/2014 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ðầm Dơi.

Từ sau chuyển dịch sản xuất vào năm 2000, hơn 65.000 ha đất độc canh cây lúa của huyện Ðầm Dơi trở thành những cánh đồng nước mặn chuyên nuôi tôm sú và nuôi thủy sản. Lợi nhuận từ con tôm, con cua… nhanh chóng giúp người dân có cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, đó cũng là một phần nguyên nhân khiến một bộ phận nhân dân vùng chuyên tôm Ðầm Dơi ít hoặc chưa quan tâm đến tăng gia, canh tác trên quỹ đất của gia đình mình.

Từ đó, nhiều quỹ đất trống sau nhiều năm sên vét, cải tạo ao đầm nước mặn đã bị bỏ hoang. Ðể cải thiện tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy Ðầm Dơi ban hành Chỉ thị số 10 về “Tăng cường vận động nhân dân trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm”.

Sau gần 10 năm thực hiện chỉ thị, diện tích giữ ngọt tại Ðầm Dơi để trồng rau, nuôi cá đã tăng từ khoảng 800 ha (năm 2014) lên hơn 2.200 ha (đầu năm 2024). Toàn huyện hiện có 43.703 hộ dân thì có đến 21.095 hộ xây dựng mô hình vườn rau, ao cá, trong đó, vườn rau có 6.410 hộ, cây trồng 6.050 hộ, ao cá 4.775 hộ, chuồng trại 3.860 hộ với tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 69.000 con…

“Qua thời gian dài triển khai, nhân dân địa phương chỉ nhớ Chỉ thị số 10 là chỉ thị khuyến khích “trồng rau”. Ngoài việc thúc đẩy tăng gia sản xuất, giúp người dân có thêm thu nhập trên vùng đất mặn, chỉ thị còn nhằm khơi dậy tinh thần chịu thương, chịu khó vốn có của người dân địa phương. Bởi thực tế cho thấy, trồng rau, nuôi cá phải bỏ nhiều công sức chăm bẵm, ít có thời gian rảnh để tụ tập rượu chè làm phát sinh bất ổn về an ninh trật tự”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðầm Dơi Ngô Bá Thành chia sẻ.

Sát thực tế, hợp lòng dân

Qua thực tế cho thấy, chỉ thị “trồng rau” của Huyện ủy Ðầm Dơi nhận được hưởng ứng, đồng thuận cao của đông đảo người dân địa phương. Trong đó, vai trò tiên phong, gương mẫu, góp phần tạo nên sức lan tỏa là hộ đảng viên, đoàn thể, hội viên.

Tiêu biểu trong số đó là mô hình trồng rau, nuôi cá nước ngọt của đảng viên Bùi Hùng Cường, hiện là Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Ðầm Dơi. Gia đình đảng viên này có tổng số 19.000 m2 đất sản xuất tại Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, trong đó, phần lập vườn hệ ngọt rộng 3.000 m2, còn lại dành nuôi tôm và thủy sản hệ nước mặn.

Khu vườn nhà ông Cường phủ xanh các loại rau màu, cây ăn trái. Trong vườn, ông Cường còn đào ao trữ ngọt nuôi cá. Ông Cường chia sẻ kinh nghiệm: “Ở vùng toàn nước mặn như Ðầm Dơi, cái khó nhất trong giữ ngọt là khâu thiết kế ban đầu, ngăn sao cho mặn không xâm nhập vào vùng muốn giữ ngọt để trồng rau, nuôi cá. Khi giữ ngọt thành công, khu vườn trồng loại cây trái gì cũng tốt, giúp chủ hộ có nông sản bán quanh năm. Như khu vườn nhà tôi, nguồn thu hiện gấp gần hai lần so với vuông tôm dù diện tích chỉ chiếm khoảng 1/5 so với vuông tôm”.

Ông Hứa Chí Linh, Trưởng Khóm 1 cho biết: Gần chục năm qua, trước và sau giờ công vụ, đảng viên Bùi Hùng Cường đều dành thời gian rảnh để chăm bẵm khu vườn của gia đình. Gia đình ông Cường có nông sản hệ ngọt bán quanh năm và đã có nhiều nông hộ địa phương đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Nhờ sự lan tỏa từ các hộ đảng viên như ông Cường mà toàn khóm hiện có đến 85% số hộ dân có mô hình trồng rau, nuôi cá nước ngọt.

Theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðầm Dơi Lê Minh Hiền, nhờ thực hiện tốt khuyến nghị tăng gia sản xuất qua phong trào tận dụng đất trống để trồng rau, nuôi cá nước ngọt mà thu nhập của người dân Ðầm Dơi được cải thiện theo chiều hướng tích cực. So với thời điểm năm 2014, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 của huyện tăng từ 29 triệu đồng lên 58 triệu đồng; hộ nghèo từ hơn 3.300 giảm còn 961 hộ (2,2%), cận nghèo từ hơn 1.800 giảm còn 812 hộ (1,86%) theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025. Thành công bước đầu của chỉ thị “trồng rau” góp phần giúp Ðầm Dơi có 9/15 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; hàng trăm hộ có mô hình tăng gia sản xuất hệ ngọt tiêu biểu, thu nhập bình quân từ 40-60 triệu đồng/mô hình/năm.

Ðồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: Qua thực tế, lãnh đạo tỉnh nhận thấy vẫn còn diện tích đất vùng mặn đã được rửa mặn nhưng hộ dân chưa tận dụng tốt quỹ đất này để tăng gia sản xuất, nên có nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo sâu việc này và hiện đã có chuyển biến rất tích cực. Trong đó, Huyện ủy Ðầm Dơi, Huyện ủy Phú Tân… cụ thể hóa chỉ đạo của tỉnh bằng một số nghị quyết, chỉ thị chuyên đề rõ ràng để nhân dân địa phương thực hiện, giúp cải thiện kinh tế gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới.

Từ thành công của Chỉ thị số 10, đầu năm 2024 vừa qua, Huyện ủy Ðầm Dơi có Công văn số 2339-CV/HU, tiếp tục phát động nhân dân địa phương làm vườn rau, ao cá… Chỉ đạo này mang tính chiều sâu hơn khi triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong huyện, với 100% hộ dân có đất sản xuất đăng ký tham gia. Gắn với đó là việc tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể, đơn vị thực hiện tốt phong trào, cũng như một số ràng buộc trong việc xét thi đua đối với các tổ chức đảng, đoàn thể, hội viên… hoàn thành chưa tốt.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðầm Dơi Ngô Bá Thành, phát động phong trào lần này chú trọng vào thực chất hơn khi khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao. Huyện Ðầm Dơi cũng bổ sung thêm việc sửa chữa lộ giao thông nông thôn trước tình hình sạt lở phức tạp gần đây, làm hư hỏng lộ. Theo phát động mới này, hộ dân tự gia cố chống sạt lở khu vực lộ nông thôn ngang phần đất gia đình mình; khi lộ hư hỏng nhỏ thì chủ động gia cố, khắc phục để duy trì tuổi thọ công trình, giúp mọi người đi lại thuận lợi.

NGUỒNnhandan.vn
Tags: ,
CHIA SẺ