BVR&MT – Trong gần 4 năm qua, với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Bộ Ngoại giao cùng những nỗ lực vận động không biết mệt mỏi của Ban Vận động Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa, bước đầu dự án “Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa” đã khẳng định hiệu quả, góp phần quan trọng vào mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế.
“Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa” là sáng kiến chung của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cùng Ban Vận động Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa, nơi tập hợp những họa sỹ giàu lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, mong mỏi đưa mỹ thuật vào công tác ngoại giao văn hóa, quảng bá giá trị Việt ra khắp năm châu.
Từ ý tưởng thoáng qua…
“Đi thăm mấy Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài, tôi thấy các bức tranh treo tại các sứ quán và tổng lãnh sự quán chủ yếu là các bức tranh quà biếu của các đoàn ghé qua sứ quán tặng như tranh thêu và tranh sơn mài – dòng tranh quà biếu, làm hàng loạt. Những bức tranh vẽ, tranh sơn mài mang tính mỹ thuật cao gần như không có.
Đại sứ quán là bộ mặt của đất nước nên giá như các họa sỹ trong nước có thể chung tay quyên tặng tranh để quảng bá mỹ thuật Việt Nam tại đây, đó là điều quá tuyệt vời,” bà Đào Thị Liên Hương, Tổng Thư ký Liên đoàn các Hiệp hội Giáo dục và Ngôn ngữ Thế giới, Trưởng ban Đối ngoại Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chia sẻ về câu nói “buột miệng nói chơi” trong một chuyến công tác nhưng lại khởi đầu cho một sáng kiến mà đến nay bà thấy nó diễn ra quá nhanh.
Bà Đào Thị Liên Hương cho biết từ sự ủng hộ của các thành viên trong đoàn công tác, đầu tháng 3/2017, bà đã mạnh dạn đưa ý tưởng của mình lên mạng xã hội.
Rất nhiều họa sỹ và đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đã đăng ký tham dự dự án quyên góp tranh cho các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Giữa bầu không khí sôi nổi đó, chương trình quyên góp tranh của bà Đào Thị Liên Hương và các cộng sự như được chắp thêm đôi cánh khi kết hợp với Dự án Ngoại giao văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam, cùng chung ý tưởng của Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), khi đó do Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, làm phụ trách.
Chia sẻ về sự kết hợp tuyệt vời này, Đại sứ Phạm Sanh Châu nhớ lại câu chuyện cách đây 20 năm: “Khoảng năm 2001, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Tôn Nữ Thị Ninh mua được một ngôi nhà theo phong cách kiến trúc lâu đài ở bên Bỉ. Ngôi nhà này trước đấy thuộc về Đại sứ quán Nhật Bản, từng là nhà riêng của Thái tử Nhật Bản.
Sau đó, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh đã cho tu sửa lại và mời các họa sỹ đóng góp tranh bằng các hình thức mua tượng trưng một số tranh để đưa vào trang trí trong tòa nhà. Một thời gian sau, khi làm Đại sứ tại Bỉ, tôi quyết định bổ sung và nâng cấp số tranh hiện có. Và để tránh bị mất tranh, tôi đã chụp lại những bức tranh đẹp nhất và cho in ra thành một cuốn sách tranh.
Trong một chuyến công tác về Việt Nam, tôi đã tặng lại cuốn sách cho các họa sỹ để ghi nhận công lao của họ. Các họa sỹ đã đánh giá rất cao việc làm của tôi vì đã trân trọng công sức của họ. Từ đó, tôi đã nảy ra ý tưởng làm thế nào để mời các họa sỹ đồng hành, nhân nhiều các mô hình từ mô hình ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ.”
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Bỉ và trở về Việt Nam đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu có làm một báo cáo trình Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và xây dựng một dự án mang tên: Ngoại giao văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam.
Để bắt đầu cho ý tưởng của mình, sau khi được lãnh đạo Bộ Ngoại giao đồng ý, Đại sứ Phạm Sanh Châu lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các họa sỹ hàng đầu của Việt Nam.
Trong thời gian đó, Đại sứ Phạm Sanh Châu và bà Đào Thị Liên Hương, vốn là hai người bạn học cùng phổ thông, đã gặp nhau. Một cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn cùng chung ý tưởng, một người làm chính sách, một người sưu tập tranh.
Sau cuộc gặp gỡ đó, ngày 26/3/2017, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, với sự chủ trì của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, nhóm hơn 30 họa sỹ đã cùng ngồi với nhau, trước sự chứng kiến và ủng hộ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ban vận động Mỹ thuật và Ngoại giao Văn hóa Việt Nam đã được thành lập và tuyên bố khởi động Dự án Ngoại giao văn hóa và Mỹ thuật Việt Nam.
Đến một dự án ngoại giao văn hóa sôi nổi
Chỉ trong vòng 2 năm triển khai Dự án, giới hội họa trong cả nước đã đóng góp được hơn 200 bức tranh, qua được vòng thẩm định của Hội đồng nghệ thuật và đã trang trí tại 21 Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán trong tổng số 101 Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài.
Trong Lễ gặp mặt và cảm ơn các họa sỹ đóng góp vào chương trình “Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa,” tháng 6/2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định một trong những nhiệm vụ rất lớn của Ngoại giao là quảng bá về nét đẹp đất nước và con người Việt Nam.
Các họa sỹ thông qua các tác phẩm nghệ thuật đã hợp tác tốt với Bộ Ngoại giao để cùng quảng bá hình ảnh Việt Nam.
Những tác phẩm nghệ thuật giúp hình ảnh đất nước hình chữ S đến gần hơn với bạn bè thế giới. Dự án là một cách giúp đưa hình ảnh Việt Nam đến với các nước phong phú hơn, thể hiện tình cảm, sự trân trọng của Việt Nam đối với khách quốc tế.
Và qua những tác phẩm nghệ thuật, Việt Nam đã giới thiệu một cách tinh tế giúp cho quốc tế thêm yêu vẻ đẹp của đất nước, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia.
Bên cạnh việc vẽ và góp tranh trang trí các Đại sứ quán/Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, các họa sỹ của Ban đã tham gia mang những bức tranh đẹp tiêu biểu của mỹ thuật đương đại Việt Nam trang trí cho các sự kiện quan trọng của đất nước như APEC 2017, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên (2019), các sự kiện quan trọng của năm ASEAN Việt Nam năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chào mừng Đại hội XIII của Đảng. Không chỉ trang trí, các họa sỹ của Ban còn nhiệt tình vẽ tranh để các Nhà Lãnh đạo Việt Nam tặng Lãnh đạo các nước tới Việt Nam tham dự các sự kiện ngoại giao.
Cùng với đó, tranh của Dự án được mở rộng không gian trang trí đến trụ sở các cơ quan Nhà nước như phòng họp, làm việc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ; phòng khánh tiết, các phòng họp Bộ Ngoại giao; phòng khánh tiết của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Bà Đào Thị Liên Hương cho biết những bức tranh được chọn lọc tham gia trưng bày, trang trí phong phú về khuynh hướng, đa dạng về chất liệu như sơn mài, sơn dầu, màu nước, khắc gỗ, giấy dó… cũng như phong phú về nội dung, đề tài thể hiện.
Bạn bè quốc tế, công chúng có thể thấy được phong cảnh Việt Nam hiện ra thanh bình và huyền ảo hay như sự công phu tái hiện sinh hoạt, lễ hội truyền thống qua các bức tranh.
Gần đây, các chương trình vẽ tranh chân dung các nhân vật lãnh đạo, người nổi tiếng như chương trình vẽ chân dung 12 vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các nữ Anh hùng Lao động, doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chào mừng Đại hội XIII của Đảng mang đến cho người xem một cảm giác sống động lạ kỳ như thể các nhân vật trong tranh đang chung vui với đời thực.
Bà Đào Thị Liên Hương cho biết thêm dưới góc độ mỹ thuật, khi tham gia vào hoạt động ngoại giao văn hóa, các họa sỹ sẽ được giới thiệu tác phẩm của mình ra quốc tế một cách chính thống qua con đường ngoại giao, thông qua các Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán.
Vinh dự, cẩn trọng với từng bức tranh
“Mỗi thể loại tranh từ tranh phong cảnh, chân dung, tĩnh vật đều có những khó khăn để vẽ đẹp. Người họa sỹ cần phải làm việc hết sức nghiêm túc để tìm hiểu về đối tượng mà mình vẽ. Tuy nhiên, tranh chân dung có những yêu cầu khác biệt hơn nữa. Tranh chân dung vẽ một người mẫu cụ thể, có đời sống, có hoạt động. Vẽ chân dung của mọi người bình thường đã có những áp lực như vậy rồi, vẽ chân dung của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Ngoại giao, những người rất quen thuộc, hàng ngày xuất hiện trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, với mọi người dân đòi hỏi mình phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng.”
Họa sỹ Hải Kiên, giảng viên của trường Đại học Sư phạm Mỹ thuật Trung ương, đã chia sẻ như vậy khi đứng bên cạnh bức tranh chân dung Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc do anh vẽ được trưng bày tại Triển lãm tranh với chủ đề “Đất nước vào Xuân, Thời cơ mới, vận hội mới” tổ chức ngày 3/2 do Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cùng Ban vận động mỹ thuật và Ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức.
Họa sỹ Hải Kiên bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và cảm thấy có trách nhiệm cao cả khi tham gia Dự án “Mỹ thuật Việt Nam và Ngoại giao Văn hóa.”
Lấy ví dụ khi vẽ tranh chân dung các lãnh đạo Bộ Ngoại giao, họa sỹ Hải Kiên cho biết anh rất cẩn trọng với từng nét vẽ, bởi nhân vật mà anh vẽ là những con người rất lịch thiệp, mềm mỏng nhưng ẩn sâu bên trong lại là những tính cách kiên quyết.
“Khi vẽ, người họa sỹ phải cố gắng không những vẽ giống từ vẻ mặt, hình dáng bên ngoài mà lại phải làm sao toát lên được những nét tính cách của nhân vật lãnh đạo đó. Đây chính là áp lực khi tôi tham gia vẽ tranh cho Dự án,” họa sỹ Hải Kiên tâm sự. Để đáp ứng yêu cầu khắt khe trên, họa sỹ Hải Kiên cho hay anh đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, đọc tư liệu để hiểu hơn về các nhân vật của mình.
Có thể nói, những chia sẻ của họa sỹ Hải Kiên cũng chính là tình cảm chung của các họa sỹ tham gia dự án đầy ý nghĩa, thể hiện lòng tự tôn, tự hào dân tộc này.
Đúng như lời bà Liên Hương từng nói với báo chí rằng: “Cũng họa sỹ đó, họ được đặt vẽ tranh cho những dự án lớn khác, tranh của họ được trả giá rất cao. Nhưng với Bộ Ngoại giao lại không phải vậy, bởi Chương trình Mỹ thuật Việt Nam và ngoại giao văn hóa đã khơi gợi được lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nên các họa sỹ rất sẵn lòng”.