BVR&MT – Thảo quả có giá trị kinh tế cao, nên diện tích của loài cây này không ngừng được mở rộng theo chủ trương của các tỉnh miền núi phía Bắc và tự phát của người dân. Nhưng khi phát triển và mở rộng diện tích thảo quả đã để lại những mặt trái bất lợi cho những khu rừng tự nhiên.
Thảo quả là cây dược liệu dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc thu hái và chế biến nhưng lại cho giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc (như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu…), giá thảo quả khô bình quân dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 200.000 đồng/kg.
Vì vậy, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng núi phía Bắc đã có thu nhập cao từ trồng và thu hái thảo quả. Từ thực tế đó, có thể coi thảo quả là cây trồng quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, cũng nhờ có trồng thảo quả trong rừng nên nó gắn trách nhiệm của người dân với công tác bảo vệ rừng, từ đó các cánh rừng cũng được bảo vệ tốt hơn…
Do thảo quả là cây ưa bóng râm và chỉ sống được ở dưới những tán rừng có có độ ẩm cao, độ mùn lớn nhưng dễ thoát nước và có nhiệt độ thấp từ 16 – 240 C … Vì vậy, khi gieo trồng thảo quả, người dân phải phát quang, dọn lối đi lại để trông coi, chăm sóc, thu hái thảo quả và chỉ để lại những cây thân gỗ lớn che bóng. Việc làm này vô hình chung đã làm suy thoái thảm thực vật rừng, làm tăng mức độ rửa trôi, bào mòn tầng đất mặt của những cánh rừng khi gặp mưa lớn, từ đó làm giảm sự đa dạng và làm suy thoái nhanh chóng thảm thực vật rừng. Bên cạnh đó, những cây dây bụi, cây dây leo ngoài tác dụng giữ ẩm, chống rửa trôi đất rừng thì chúng còn là mối quan hệ cộng sinh trong quá trình sống, sinh trưởng và phát triển của các loài cây thân gỗ khác.
Ngoài ra,, những cây dây bụi và cây dây leo còn là nguồn thức ăn của các loài động vật hoang dã sống trong rừng. Vì vậy, khi những bụi cây dây leo bị chặt phá cũng là báo trước nguy cơ diệt vong của các loài động vật hoang dã sống trong rừng. Trong khi đó, xác của các loại cây dây bụi, cây dây leo khi gặp thời tiết hanh khô chính là một hiểm họa gây nên những vụ cháy rừng có tính chất huỷ diệt môi sinh. Và để sấy khô 100 kg thảo quả tươi phải cần tới từ 1,2 – 1,5 mét khối củi khô và lượng chất đốt này lại do người dân chặt phá từ rừng, và rừng lại tiếp tục bị tàn phá, suy kiệt để phục vụ cho cây thảo quả. Đó cũng chính là hệ luỵ của những trận lũ quét, lũ ống, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc trong những năm gần đây….
Bên cạnh đó, khi thảo quả bước vào gia đoạn chín và thu hoạch (từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch hàng năm), người dân thường làm lán trại trong rừng để trông coi, bảo vệ. Những sinh hoạt của người dân như đun nấu, hút thuốc… trong rừng lại gặp giai đoạn thời tiết khô hanh sẽ là nguy cơ gây lên các vụ cháy rừng tàn khốc, hủy hoại sinh thái môi trường.
Qua thực tế đó, khi chúng ta muốn phát triển và mở rộng diện tích cây thảo quả tại các tỉnh vùng núi phía Bắc thì cần phải có chủ trương, định hướng để qui hoạch vùng trồng có sự giám sát của các cơ quan chức năng địa phương như Phòng Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm của các địa phương…
Ngoài ra, cũng cần thực hiện các biện pháp cấp bách để nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng của đồng bào khi trồng và mở rộng diện tích cây thảo quả. Chỉ có như vậy chúng ta mới thực hiện thành công chủ trương phát triển cây thảo quả gắn với công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xoá đói, giảm nghèo từ cây thảo quả cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Phạm Văn Phú (Chi cục TT&BVTV tỉnh Hà Giang)