BVR&MT – Cuộc khảo sát người tiêu dùng hàng năm về hoạt động buôn bán ngà voi ở Trung Quốc cho thấy nhu cầu về ngà voi tiếp tục giảm kể từ khi nước này cấm buôn bán nội địa vào năm 2017 và hiện chưa bằng một nửa mức trước khi cấm.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức nghiên cứu GlobeScan đã tiến hành cuộc khảo sát người tiêu dùng lớn nhất về hoạt động buôn bán ngà voi ở Trung Quốc với sự tham gia của 2.000 người ở 15 thành phố trong bốn năm liên tiếp (2017 – 2020). Cuộc khảo sát thường niên lần thứ tư được xem là cuộc đánh giá lớn nhất về những thay đổi trong (i) thái độ, động cơ, rào cản tiêu thụ ngà voi; (ii) tỷ lệ mua và ý định mua trong quá khứ/tương lai; (iii) nhận thức (đồng ý/không đồng ý) về lệnh cấm theo thời gian.
Kết quả được chia sẻ trong Báo cáo “Nhu cầu sau lệnh cấm – Nghiên cứu tiêu thụ ngà voi Trung Quốc năm 2020” cho thấy ý định mua ngà voi của người tiêu dùng trong tương lai cả trước và sau khi đề cập đến lệnh cấm ngà voi đều giảm mạnh, lần lượt giảm từ 43% và 18% (năm 2017) xuống còn 19% và 8% (năm 2020).
Dựa trên mô hình dự đoán về khả năng mua ngà sau khi lệnh cấm có hiệu lực, khảo sát chia thị trường người mua thành 03 nhóm: nhóm ngoan cố, nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm và nhóm từ chối.
Nhóm ngoan cố là nhóm ít có ý định từ bỏ tiêu dùng ngà voi nhất, bất chấp lệnh cấm. Nhóm có thu nhập và học vấn trung bình khá, chủ yếu sống ở thành phố loại 1, thường xuyên đi du lịch và có niềm tin rất lớn vào giá trị nghệ thuật và di sản văn hóa mà ngà voi đem lại, ít quan tâm tới giá cả. Đáng chú ý là năm 2017 và 2020, nhóm có số lượng phụ nữ nhỉnh hơn nam giới, độ tuổi phổ biến từ 18 – 30. Dù 61% nhóm này cho biết đã nghe nói về lệnh cấm nhưng chỉ 25% nhận thức được việc vận chuyển ngà voi từ nước ngoài về Trung Quốc là bất hợp pháp. Tín hiệu đáng mừng là năm 2020, tỷ lệ nhóm đã giảm từ 19% năm 2017 xuống 14% trong hai năm 2018, 2019 và còn lại 8% năm 2020.
Nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm cũng có xu hướng phụ nữ nhiều hơn nam giới, học vấn trung bình khá, thu nhập trung bình thấp, sống chủ yếu tại thành phố loại 1. Năm 2020, hồ sơ của nhóm này có sự thay đổi với 3 năm trước theo chiều hướng tăng tỷ lệ người không đi du lịch (có thể do ảnh hưởng của Covid-19), tỷ lệ người có thu nhập thấp và tỷ lệ người có trình độ học vấn thấp. Đối với nhóm này, lệnh cấm tác động rất lớn tới quyết định mua ngà của họ. Đây cũng là nhóm có tỷ lệ mua ngà thấp hơn nhóm ngoan cố và lượng mua trong 12 tháng qua giảm đáng kể. Trước khi đề cập đến lệnh cấm ngà voi, 40% nhóm này cho biết họ có khả năng mua ngà trong tương lai, tuy nhiên, sau khi được nhắc nhở về lệnh cấm, tỷ lệ này giảm xuống 0. Nhóm có niềm tin mạnh mẽ vào giá trị nghệ thuật của ngà voi còn hơn cả nhóm ngoan cố nhưng họ cũng e ngại về tính bất hợp pháp của việc mua bán sản phẩm trái phép này.
Nhóm từ chối bao gồm những người ít có khả năng mua ngà voi nhất. Họ thường ở độ tuổi 41- 50, trình độ học vấn trung bình, thu nhập thấp và không có xu hướng đi du lịch thường xuyên, ít có khả năng đi du lịch nước ngoài. Hầu như không có ai mua ngà voi trong vòng 12 tháng qua hoặc có ý định mua trong 12 tháng tới. Nhóm rất lo ngại về khả năng tuyệt chủng của voi và sự đối xử tàn ác đối với động vật. Đây cũng là nhóm có nhiều khả năng chia sẻ thông tin về bảo vệ động vật nhất trên mạng xã hội. Phần lớn nhóm đều biết về lệnh cấm ngà voi qua các nguồn thông tin từ cổng thông tin điện tử, ứng dụng di động hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Họ tin tưởng mạnh mẽ rằng lệnh cấm là quan trọng để chấm dứt nạn buôn bán ngà và không tin ngà voi mang lại sức khỏe tốt hoặc biểu thị sự giàu có và quyền lực. Tuy tỷ lệ nhóm này tiếp xúc với các chiến dịch nâng cao nhận thức thấp nhưng lại phản ứng khá tích cực với các chiến dịch loại này.
Qua 4 năm khảo sát, tỷ lệ các nhóm có sự thay đổi đáng kể: nhóm ngoan cố giảm từ 19% năm 2017 xuống còn 8% năm 2020; nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm giảm từ 31% năm 2017 xuống 20% năm 2020; riêng nhóm từ chối tăng từ 50% năm 2017 lên 72% năm 2020.
Năm 2020, 88% người tham gia khảo sát tin rằng rằng việc mua/buôn bán ngà voi ở Trung Quốc là bất hợp pháp, một sự gia tăng đáng kể về mặt thống kê từ năm 2019 (85%). Khi được hỏi về tác động của lệnh cấm, 79% cho biết lệnh cấm khiến họ dừng lại việc mua ngà voi, 78% tránh mua bất kỳ sản phẩm động vật hoang dã nào nữa, 57% ít mua ngà voi hơn và 48% sẽ chuyển sang mua các sản phẩm thay thế (vàng và bạc là hai sản phẩm thay thế hàng đầu với tỷ lệ tương ứng 39% và 33%)
Về mục đích mua ngà, 51% mua để làm quà tặng cho bạn bè hoặc người thân; 33% mua giữ cho riêng mình, đặc biệt là những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài; 15% mua làm quà tặng cho đối tác và chỉ 1% mua để bán lại. Tần suất mua của các nhóm cũng rất khác nhau, trong đó nhóm hay đi du lịch nước ngoài và nhóm ngoan cố mua thường xuyên nhất, tương ứng 55% và 51% mua ngà chỉ sau 1-2 năm hoặc ngắn hơn.
Trong số 5 kênh mua ngà voi chủ đạo thì kênh phổ biến nhất trong suốt 4 năm là mua trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ (chiếm 68% trong tổng số những người mua ngà voi năm 2020); thứ hai là mua trực tiếp tại một gian/sạp hàng ở chợ (chiếm 46% trong tổng số người mua ngà voi năm 2020); kênh thứ ba là mua trực tiếp khi đi du lịch nước ngoài trong những chuyến ngắn hạn (chiếm 45% trong tổng số người mua ngà năm 2020); kênh thứ tư là mua online (có xu hướng tăng, từ 19% năm 2019 lên 25% trong tổng số người mua năm 2020); cuối cùng là mua trực tiếp từ những người bán hàng rong ngoài đường (chiếm 12% trong tổng số người mua năm 2020). Trong số 5 kênh thì chỉ kênh mua tại sạp hàng ở chợ và mua từ những người bán hàng rong là giảm, còn lại đều có xu hướng tăng, đặc biệt là kênh mua online. Với kênh mua trực tiếp khi đi du lịch nước ngoài, 33% cho biết họ mua ngà bên ngoài Trung Quốc vì mua trong nước bị xem là bất hợp pháp. Thái Lan, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản được xem là những điểm đến hàng đầu để mua ngà voi khi đi du lịch. Chỉ 73% số người tham gia khảo sát tin rằng việc mang các sản phẩm ngà voi trở lại Trung Quốc là bất hợp pháp trong khi 19% cho rằng nó hợp pháp (theo những cách khác nhau) và 14% còn lại trả lời không biết.
Do những khác biệt được ghi nhận trong năm 2020 tiếp tục là xu hướng tiến triển từ những năm trước đó nên một số khuyến nghị từ Báo cáo vẫn tương tự như năm 2019.
Báo cáo nhấn mạnh cần tiếp tục bám sát nhóm du khách thường xuyên đi du lịch nước ngoài. Mặc dù nhóm này không thể đi du lịch nhiều trong thời gian tới (do ảnh hưởng của đại dịch) nhưng họ vẫn duy trì nhận thức, thái độ và ý định mua ngà voi rất cao.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào các nhóm đối tượng ở khu vực đô thị loại 1,2,3 bằng các chiến dịch trực tuyến và tiếp tục tập trung vào nhóm chịu tác động bởi lệnh cấm. Số lượng nhóm này khá ổn định trong khi tỷ lệ mua, ý định mua đã bắt đầu giảm, do đó cần nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật và tác động của việc buôn bán ngà voi để giúp họ ủng hộ lệnh cấm hơn. Riêng với nhóm ngoan cố, tuy quy mô có giảm nhưng thói quen và ý định mua ngà vẫn rất lớn, do đó cần đặc biệt chú trọng truyền thông tới nhóm này. Với nhóm từ chối, cần tiếp tục khuyến khích họ tham gia vào các chiến dịch về ngà voi, giúp họ trở thành những tuyên truyền viên phổ biến các thông điệp bảo tồn đến các nhóm còn lại.
Trong các chiến dịch truyền thông, cần tập trung vào các mặt hàng xa xỉ (như vàng, bạc, kim cương…) có thể thay thế ngà voi, đồng thời nâng cao nhận thức về lệnh cấm để tạo sự thay đổi; tiếp tục truyền thải thông điệp mang ngà voi trở lại Trung Quốc là bất hợp pháp.
Đặc biệt, cần tiếp tục gây áp lực lên thương mại trực tuyến, chú trọng tuyên truyền về lệnh cấm và các chiến dịch chiếu trên tivi/màn hình kết hợp các chiến dịch bảo tồn voi được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hồng Ngọc