BVR&MT – Trong khu rừng rộng hơn 1.400 ha cách thị trấn Kbang chừng 5 km về hướng Bắc có hàng trăm cây dổi nhung quý hiếm. Đến đây, chúng tôi được tận mắt chiêm ngắm loại cây đặc hữu của Tây Nguyên với nhiều cây vài người ôm và nghe chuyện giữ rừng cùng bao nỗi nhọc nhằn.
Loài cây đặc hữu
Cơn mưa lê thê khiến con đường độc đạo từ thị trấn Kbang vào chốt quản lý bảo vệ rừng số 1 của Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng (thuộc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) trơn như đổ mỡ. Càng gần đến chốt, đường càng khó đi hơn. Chiếc xe máy liên tục xoay tròn bánh khiến chúng tôi ngã dúi dụi. Thế mà chiếc xe do Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng Trần Kế Lâm điều khiển vẫn chạy băng băng. Hỏi bí quyết, ông Lâm bảo: “Mấy chục năm nay, tôi chạy xe máy cả ngày lẫn đêm quanh mấy con đường đất trong rừng để tuần tra, bảo vệ nên quen thôi, có bí quyết gì đâu”.
Trong lấm lem bùn đất, chúng tôi đến chốt cửa rừng. Nơi đây, 4 nhân viên bảo vệ rừng đang chờ sẵn để dẫn chúng tôi vào rừng “mục sở thị” loài cây dổi nhung quý hiếm. Đó là loài cây thân gỗ cao lớn với điểm đặc biệt là mặt dưới của lá có một lớp lông tơ mềm mại. Có lẽ vì thế mà người ta đặt tên là dổi nhung để phân biệt với các loài dổi khác. Các nhân viên bảo vệ rừng đã đo thử 1 cây dổi nhung cổ thụ bằng cách nắm tay nhau đứng quanh gốc thì mới ôm xuể.
Nói về nguồn gốc cây dổi nhung thuộc lâm phần đơn vị được giao quản lý, ông Trần Hồng Sơn-Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới-thông tin: “Đây là loại cây đặc hữu chỉ có ở khu vực Tây Nguyên, mọc nhiều ở cao nguyên Kon Hà Nừng. Tại lâm phần chúng tôi quản lý, có nhiều loại dổi nhưng quý hiếm nhất là dổi nhung. Ngoài số cây mọc sẵn trong tự nhiên, từ năm 1985 đến nay, còn có nhiều cây dổi nhung được cán bộ, nhân viên của đơn vị trồng. Năm 2001, chúng tôi trồng xen hơn 3 ha dổi nhung. Vì thế, dù chưa kiểm đếm cụ thể nhưng trong 1.400 ha rừng mà chúng tôi được giao quản lý có hàng trăm cây dổi nhung. Trong đó, có nhiều cây dổi có đường kính gốc to khoảng 5-6 người ôm. Theo tìm hiểu, hiện nay, chỉ ở cao nguyên Kon Hà Nừng, nhất là khu vực rừng do chúng tôi quản lý là còn cây dổi nhung trong tự nhiên, các nơi khác hầu như không còn”.
Nhằm bảo vệ loại cây đặc hữu của Tây Nguyên, những năm qua, hàng ngàn lượt cây dổi nhung được nhân giống để bảo tồn gen. Ông Lâm kể: “Hàng năm, chúng tôi vào rừng nhặt hạt dổi nhung để gửi về nhân giống. Có năm, chúng tôi gửi tới vài tạ hạt”. Còn theo ông Sơn thì: “Để bảo tồn nguồn gen dổi nhung, những năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhân giống. Sau đó, cung cấp cây giống cho các địa phương ở Tây Nguyên trồng rừng phân tán. Mấy năm nay, Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung sử dụng nhiều cây dổi nhung để trồng phân tán. Mới đây, Bệnh viện 331 có mua cây giống dổi nhung về trồng trong khuôn viên làm cây bóng mát. Ngoài ra, chúng tôi nhân giống dổi xanh ở rừng Kbang để cung cấp cho người dân trồng lấy hạt bán. Trung bình mỗi năm, chúng tôi nhân giống khoảng 3.000-4.000 cây giống dổi nhung, xanh để cung cấp cho thị trường. Mức giá dao động 15-20 ngàn đồng/cây dổi gieo hạt và 35-50 ngàn đồng/cây dổi ghép”.
Kiên tâm giữ rừng
Khu rừng rộng chừng 1.400 ha mà Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới được giao quản lý có trữ lượng gỗ 300-700 m3/ha. Do đó, không thể tránh khỏi ánh mắt nhòm ngó của lâm tặc. Mặt khác, rừng có địa hình bằng phẳng, nhiều lối mòn, lại gần với khu vực dân cư. Những điều đó khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Cùng chúng tôi vào một khoảnh rừng, anh Trần Văn Bắc-nhân viên bảo vệ rừng-bộc bạch: “Ngày trước, Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng trực thuộc Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp Kon Hà Nừng, sau đó bàn giao lại cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Từ năm 1990, tôi là công nhân của Liên hiệp rồi nghỉ hưu. Năm 2019, tôi được Trung tâm tuyển vào làm bảo vệ. Nghề này vất vả lắm, ở trong rừng suốt ngày đêm, cực nhất là những đêm ngủ rừng, lạnh tê tái”.
Trạm Thực nghiệm có 10 người gồm quản lý và nhân viên với 2 biên chế, còn lại là hợp đồng. Trong đó, nhân viên hợp đồng chủ yếu là người đã từng công tác tại đơn vị rồi nghỉ hưu, nhận làm thời vụ. Họ được chia làm 2 chốt gác hơn 1.400 ha rừng. Mỗi ngày, các thành viên của trạm thay phiên nhau đi tuần. Thậm chí buổi tối, họ cũng mắc võng ngủ trong rừng. Lâm phần do Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng quản lý được xem là rừng giàu với nhiều loại gỗ quý như: hoàng đàn, bằng lăng, dổi, xoay, trám… Trong số này, hoàng đàn và dổi nhung thuộc nhóm I-III, có vân gỗ đẹp nên giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng không hề dễ dàng. Máu đã đổ trong hành trình bảo vệ rừng của lực lượng bảo vệ rừng. Ngày 31-10 vừa qua, 3 đối tượng gồm: Lê Văn Duẩn, Lê Trung Hiếu, Lê Văn Phong (cùng trú tại xã Đông, huyện Kbang) đã tấn công 3 nhân viên Trạm Thực nghiệm lâm nghiệp Kon Hà Nừng khi bị phát hiện vận chuyển gỗ trong tiểu khu 151. Các đối tượng này đã dùng bình xịt hơi cay, gậy gộc tấn công khiến 3 nhân viên bảo vệ rừng phải nhập viện điều trị.
Trao đổi cùng chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới Trần Hồng Sơn cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều huy động lực lượng xuống trạm hỗ trợ gác rừng vài đợt. Có đợt, anh em bám trụ cả tháng mới về. Chúng tôi cũng đã kiến nghị cấp trên có cơ chế đặc thù cho từng loại rừng để công tác quản lý, bảo vệ đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích lớn lao lâu dài từ rừng nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Đó là bảo vệ rừng để tương lai thu lợi trồng dược liệu dưới tán cây, tận thu lâm sản phụ và được trả chi phí sản xuất carbon từ rừng… thay vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Ra khỏi trạm cửa rừng, chúng tôi dừng lại ở một nhà dân xin ít nước rửa tay chân, lại nghe bà con kể chuyện nhờ vụ xoay, dổi năm nay được mùa được giá mà mỗi nhà có thu nhập thêm vài chục triệu đồng. Và phía sau lưng chúng tôi, rừng vẫn một màu xanh ngút ngàn.