BVR&MT – Các chuyên gia ĐVHD cảnh báo loài nhím đang có nguy cơ bị đe dọa trên toàn Đông Nam Á.
Nhím đang bị săn bắt để lấy khối thực vật chưa tiêu hóa trong ruột của chúng, còn được gọi là bezoar (hay “sỏi dạ dày”). Nhu cầu chủ yếu từ Trung Quốc, nơi một số người tin rằng bezoar có dược tính mạnh, có thể chữa được bệnh tiểu đường, sốt xuất huyết và ung thư.
Không có bằng chứng khoa học nào về việc bezoar chữa được bất kỳ bệnh gì.
Tuy nhiên, bezoar đang được bán ở dạng thô hoặc bột và có thể được chế biến thành viên nang. Một vài chục gram có thể trị giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn USD.
Được săn lùng nhiều nhất là bezoar “máu” màu đỏ sẫm, được cho là loại có dược tính mạnh nhất. Giá bezoar “tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, sau khi có những tuyên bố về các đặc tính chữa ung thư của chúng”, theo một báo cáo xuất bản năm 2015 của TRAFFIC.
Mức độ săn trộm nhím hiện chưa rõ, bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp từ các tổ chức như TRAFFIC, Cơ quan điều tra môi trường (EIA), WCS và các chuyên gia toàn cầu về buôn bán ĐVHD.
IUCN cho biết nhím Philippines, nhím đuôi dài (don) và nhím Mã Lai, những loài sống ở khắp Đông Nam Á, đều bị đe dọa và suy giảm số lượng. Không loài nào trong số này được đưa vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.
“Những loài này đang khẩn thiết cần được chú ý nhưng thường bị cộng đồng bảo tồn bỏ qua”, theo Chris Shepherd, Giám đốc điều hành Monitor, một tổ chức ở Canada chuyên thu thập dữ liệu về buôn bán ĐVHD.
Cộng đồng bảo tồn “vẫn đi lại con đường như loài tê tê phải chịu đừng từ 15 năm trước. Cần nghiên cứu thêm về tình trạng của các loài nhím này trong tự nhiên và động lực buôn bán nhím để lấy thịt và làm thuốc”.
Shepherd, người có 25 năm theo dõi buôn bán ĐVHD, chủ yếu ở Đông Nam Á, tiết lộ về số lượng lớn nhím đang bị buôn bán từ Malaysia cũng như từ Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines sang Trung Quốc. Nhím bị giết và mổ dạ dày để lấy bezoar.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia TRAFFIC, chỉ có khoảng 1/10 nhím có bezoar.
Cho đến nay, không có loài nhím Đông Nam Á nào được liệt vào danh sách cấm buôn bán theo Công ước CITES.
“Tôi luôn thấy chúng được buôn bán. Thông thường, khi tìm hiểu việc buôn bán mật gấu, chúng tôi cũng thấy nhím”, Shepherd cho rằng sự vênh nhau giữa các luật lệ thương mại cũng như phân loại giữa quốc tế và nội địa đã tiếp tay cho nạn săn trộm và buôn bán trái phép nhím.
Ví dụ, theo Đạo luật bảo tồn ĐVHD của Malaysia, buôn bán thương mại nhím đuôi dài và nhím Mã Lai bị cấm, mặc dù cả hai đều có thể được săn bắn và bán với điều kiện có giấy phép. Nhưng luật trên coi nhím đuôi dài là được “bảo vệ đầy đủ”, tức là cấm buôn bán nội địa.
Ở Philippines, các nhóm bản địa có thể săn bắt và tiêu thụ nhím Palawan nhưng không được bán thương mại.
Tương tự, luật pháp Indonesia coi việc vận chuyển, buôn bán, giữ hoặc giết nhím đuôi dài và nhím Mã Lai là bất hợp pháp, liệt cả hai vào danh sách loài được bảo vệ. Năm 2014, cảnh sát bắt một nhóm buôn lậu khi đang vận chuyển 55 con nhím Mã Lai từ Bắc Sumatra đến Trung Quốc đại lục.
Tháng 9/2017, hai binh sĩ Indonesia đã bị bắt tại quận Pasaman thuộc Tây Sumatra vì buôn lậu hàng chục con nhím Mã Lai qua biên giới cấp tỉnh từ Tây sang Bắc Sumatra.
Theo quan điểm của Shepherd, nhím ở Đông Nam Á đang gặp rắc rối vì “nạn săn trộm đang đẩy những loài này đến tình trạng tuyệt chủng”.
Hồ sơ theo dõi săn trộm và buôn lậu của WCS cho thấy phần lớn các loại bezoar được bán ở Trung Quốc, Indonesia và Malaysia. “Hầu hết người dùng là người Trung Quốc”, Dwi Adhiasto, chuyên gia về buôn bán động vật hoang thuộc Chương trình Indonesia của TRAFFIC nhận định.
Theo nghiên cứu của Chris Duffin, nhà khoa học lịch sử y học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn, việc buôn bán bezoar ở châu Á khởi nguồn từ khoảng thế kỷ 16. Y học cổ truyền Trung Quốc cũng coi trọng lông nhím vì cho rằng chúng có dược tính ngăn ngừa chảy máu cam.
Kanitha Krishnasamy, Giám đốc văn phòng Đông Nam Á của TRAFFIC cho biết họ thấy bezoar được bán trong các cửa hàng y dược truyền thống của Malaysia và ngày càng được bán nhiều hơn qua nền tảng trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội. Không rõ bao nhiêu giao dịch là bất hợp pháp “nhưng đó chắc chắn là một vấn đề đáng lo ngại vì việc buôn bán xuất hiện khá phổ biến”.
Krishnasamy, cũng như Shepherd, lo ngại về những hiểm họa nhím đang đối mặt nhưng bị cộng đồng bảo tồn bỏ qua.
www.porcupinebezoar.com, một trang web được đăng ký tại Malaysia, quảng cáo bezoar là “một phương thuốc y học cổ truyền Trung Quốc đã được dùng và kiểm nghiệm cho hầu hết các loại bệnh, kể cả ung thư”. Trang web này cũng mô tả bezoar là “chất chống oxy hóa tự nhiên siêu việt” và là “diệu dược có tác dụng nhanh”.
Trang web thừa nhận các loại bezoar được chào bán đều được lấy từ nhím săn trong tự nhiên mặc dù thực tế là nhím lấy bezoar đều được lai tạo hợp pháp tại các trang trại ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
Để thuyết phục những khách hàng tin rằng thuốc chữa bệnh từ ĐVHD có dược tính mạnh hơn, trang web này cho biết “những loại bezoar có giá trị nhất… được lấy từ nhím trong rừng mưa nhiệt đới ở Indonesia hoặc Borneo”.
Nhu cầu về bezoar là không phải mối đe dọa duy nhất đối với nhím. Thịt của chúng được coi là một món ngon ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.
Theo một nghiên cứu xuất bản năm 2010 trên tạp chí Biological Conservation, việc tiêu thụ nhím Đông Nam Á đã có “tác động hủy hoại đối với quần thể hoang dã”.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học East Anglia, Anh, phát hiện ra rằng nhím Mã Lai, vốn sống khắp Đông Nam Á, đã giảm ít nhất 20% trong những năm 1990, do bị săn bắn quá mức.
Tháng 2 vừa qua, Bưu chính quốc gia Malaysia, Pos Malaysia, tuyên bố sẽ phát hành một serie tem bưu chính theo chủ đề “Thực phẩm kỳ lạ”. Krishnasamy cho rằng serie tem này, bao gồm salad hải sâm, châu chấu chiên, và bít tết nhím “như là để quảng bá tiêu thụ thịt hoang dã”.
Pos Malaysia ra tuyên bố rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ có ý định quảng bá hay khuyến khích các hoạt động như săn bắn hay tiêu thụ động vật kỳ lạ”. PERHILITAN, cơ quan ĐVHD của chính phủ Malaysia, không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Debbie Banks, chuyên gia tội phạm ĐVHD thuộc EIA, cảnh báo rằng nhím có thể trở thành “con tê tê tiếp theo của buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Hàng triệu con tê tê đã đã bị buôn bán trước khi chúng nhận được sự bảo vệ thực sự cần thiết”.
Năm 2017, CITES đã liệt kê cả tám loài tê tê vào danh sách “cực kỳ nguy cấp” khiến việc buôn bán chúng trở thành bất hợp pháp.
“Hiện tại, nhím chỉ được bảo vệ một cách tối thiểu. Phải hành động trước khi quá muộn”, Banks khẳng định.
Nhật Anh (Theo nationalgeographic.com)