Nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc ban bố cảnh báo đỏ về lũ lụt
BVR&MT – Thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang đã ban bố cảnh báo đỏ do mưa lớn khiến mực nước các sông hồ tràn bờ.
Ngày 17/7, nhiều khu vực rộng lớn tại miền Trung và miền Đông Trung Quốc phải hứng chịu các trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa bối cảnh tình trạng gián đoạn các chuỗi cung ứng then chốt ngày càng gia tăng và thiệt hại về kinh tế ngày càng nặng nề.
Thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc và các tỉnh An Huy, Giang Tây, Chiết Giang cùng ngày đã ban bố cảnh báo đỏ do mưa lớn khiến mực nước các sông hồ tràn bờ.
Chính quyền Vũ Hán khuyến cáo cư dân thành phố cần đề phòng thận trọng do mực nước dâng nhanh đã tiệm cận mức báo động.
Với việc chứa lượng nước lớn hơn nhằm giảm nguy cơ lũ lụt, mực nước tại đập Tam Hiệp đang cao vượt mức báo động 10m với vận tốc dòng chảy trên 50.000m3/giây. Trong khi đó, mực nước hồ Bà Dương tại tỉnh Giang Tây hiện cao vượt mức báo động 2,5m.
Ở miền Đông, hồ Thái Hồ gần Thượng Hải cũng ban bố cảnh báo đỏ sau khi mực nước tại đây dâng cao trên mức báo động gần 1m.
Mùa mưa Hè gây phần lớn các trận lũ lụt trong cả năm tại Trung Quốc, nhưng người dân đang cảm nhận rõ rệt hơn tác động của tình trạng gián đoạn mà mưa lũ gây ra khi thiếu hụt các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu như trang thiết bị bảo về cá nhân (PPE) đề phòng virus SARS-CoV-2.
Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định hoạt động kinh tế ở nhiều khu vực của Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề do mưa lũ. Ước tính, các trận lũ lụt gần đây tại các khu vực Sông Dương Tử chảy qua có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,4-0,8 điểm phần trăm trong quý 3/2020.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, chỉ tính riêng trong 16 ngày vừa qua của tháng Bảy, các đợt mưa lớn gây lũ lụt tại nhiều khu vực ở nước này đã khiến gần 15 triệu người phải đi sơ tán và gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD.
Hiện mực nước tại hơn 400 con sông đã vượt mức báo động, thậm chí một số còn tăng lên mốc cao chưa từng có kể từ năm 1961.